Đề cương về văn hóa Việt Nam (1) ra đời năm 1943 (sau đây gọi tắt là Đề cương văn hóa). Trong 80 năm qua, Đề cương văn hóa vẫn là Văn kiện lịch sử có giá trị như một Tuyên ngôn – Cương lĩnh quan trọng đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam về vị trí của nền văn hóa và phát triển nền Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng dân tộc do Đảng lãnh đạo.
Để tiếp tục nghiên cứu các giá trị cốt lõi của Đề cương văn hóa, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 21/11/2021) về xây dựng văn hóa, con người tạo sức mạnh nội sinh phát triển bền vững đất nước, trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được trao đổi một số nội dung sau đây:
Một là: Tầm nhìn về cách đặt vấn đề của Đề cương văn hóa.
Những năm 40 của thế kỷ trước, khi Nhật nhảy vào Đông Dương thì cuộc cách mạng chống thực dân Pháp của người Việt Nam gắn với chống chủ nghĩa phát xít. Trong hoàn cảnh lúc bấy giờ, với thủ đoạn thâm độc, các chính sách văn hóa của Pháp, Nhật không chỉ đã gây ảo tưởng đối với người Việt Nam về “vai trò cứu tinh” từ văn minh, văn hóa của họ, mà còn gieo rắc tâm lý tự ti về nền văn hóa dân tộc. Thực tế đó cũng đồng nghĩa với hiện tượng hoang mang trong nhận thức, tư tưởng và đặc biệt trong cả việc nhận diện kẻ thù của lực lượng cách mạng lúc bấy giờ. Trước tình hình đó, Đảng đã tổ chức Hội nghị Thường vụ Trung ương (họp từ ngày 25 đến ngày 28/2/1943). Hội nghị xác định, một trong những nội dung quan trọng là phải đưa ra được định hướng có tính cách mạng về văn hóa dân tộc. Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 do đồng chí Trường Chinh soạn thảo đã được ra đời trong bối cảnh này.
Nội dung của Đề cương văn hóa được tiếp cận gồm: 1. Về lý luận, phạm vi văn hóa được quan niệm bao gồm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật; 2. Mối quan hệ giữa văn hóa với kinh tế chính trị, vị trí của cuộc cách mạng văn hóa trong cuộc cách mạng giải phóng dân tộc do Đảng lãnh đạo; 3. Đảng lãnh đạo mặt trận văn hóa, phát triển nền văn hóa dân tộc là tất yếu. Các giá trị cụ thể từ cách tiếp cận trên:
– Định hướng về lý luận của Đề cương: Văn hóa phải được nhận thức như một hệ thống: “Văn hóa phải bao hàm cả tư tưởng, học thuật, nghệ thuật”. Tuy còn phiến diện nhưng định hướng này đã mở đầu cho sự phát triển hoàn chỉnh hơn trong quan niệm về các lĩnh vực văn hóa được đưa ra trong Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII (1998). Đặc biệt là trong bối cảnh lúc bấy giờ, Đề cương đã xác định tư tưởng là lĩnh vực cốt lõi của văn hóa và coi chính trị, kinh tế và văn hóa là các lĩnh vực rất cơ bản của đời sống văn hóa xã hội mà Đảng cần tập trung lãnh đạo để đảm bảo sự thống nhất về tư tưởng cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc. Cũng vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, văn hóa là một trong bốn lĩnh vực quan trọng để phát triển đất nước. Người nói: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”(2). Người đã chỉ ra mối quan hệ chặt chẽ giữa văn hóa với các lĩnh vực khác: Văn hóa không thể đứng ngoài “mà phải ở trong kinh tế và chính trị” và ngược lại kinh tế, chính trị cũng nằm “trong văn hóa”. Đồng thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, kinh tế là nền tảng vật chất, văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; kinh tế và văn hóa cuối cùng đều phục vụ nhiệm vụ chính trị là xây dựng một xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, đạo đức, văn minh.
– Nhận thức về mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị phải dựa trên quan điểm mácxit. Đó là xét cho cùng, văn hóa là sự phản ánh hiện thực của xã hội, và chính chế độ kinh tế của một xã hội quyết định toàn bộ sự phát triển văn hóa của xã hội đó. Nhận thức mối quan hệ này theo quan điểm duy vật biện chứng của Đề cương có ý nghĩa nền tảng để Đảng ta phát triển quan điểm “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội…”, có vai trò định hướng, điều tiết, là động lực của sự phát triển.
– Đề cương văn hóa khẳng định Đảng lãnh đạo toàn diện cuộc cách mạng dân tộc, lãnh đạo cách mạng văn hóa là tất yếu (văn hóa là một trong ba mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa). Mặt trận có nghĩa không chỉ để tập hợp lực lượng cách mạng, mà còn là cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng – văn hóa. Đảng Cộng sản phải lãnh đạo mặt trận tư tưởng – văn hóa thì mới gây được ảnh hưởng dư luận, mới tuyên truyền sâu rộng được quan điểm, đường lối cách mạng của Đảng. Có thể thấy ngay từ cách đặt vấn đề, giá trị của Đề cương văn hóa đã mang tầm triết luận của cuộc cách mạng tư tưởng – văn hóa.
Hai là: Quan điểm về những vấn đề cơ bản của cách mạng văn hóa Việt Nam. Cụ thể:
– Cách mạng văn hóa Việt Nam có vị trí hết sức quan trọng trong cuộc cách mạng dân tộc do Đảng lãnh đạo. Văn hóa không chỉ là một trong ba mặt trận cơ bản của cuộc cách mạng dân tộc mà Đảng phải nắm quyền lãnh đạo, Đề cương còn chỉ ra: “Phải hoàn thành cách mạng văn hóa mới hoàn thành được cuộc cải tạo xã hội”. Cuộc cách mạng văn hóa – tư tưởng có vai trò làm thay đổi nhận thức, tư tưởng – với ý nghĩa “dọn đường” cho cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Cách mạng văn hóa là một bộ phận khăng khít, có ý nghĩa nền tảng tư tưởng để cuộc cách mạng chính trị có thể thành công. Tuy nhiên Đề cương cũng khẳng định rằng “Cách mạng văn hóa có thể hoàn thành khi nào cách mạng chính trị thành công”, khi cách mạng chính trị thành công rồi, vẫn phải tiếp tục làm cách mạng văn hóa, vì như vậy cách mạng dân tộc mới thành công triệt để. Cách mạng văn hóa Việt Nam phải dựa vào cách mạng dân tộc giải phóng mới có điều kiện để phát triển, mới “đưa văn hóa Việt Nam tới trình độ dân chủ và có tính chất dân tộc hoàn toàn”.
– Văn hóa Việt Nam có tiền đồ như thế nào và làm thế nào để vận động phát triển? Tiền đồ của văn hóa Việt Nam trước hết phải được nhận thức xuất phát từ quan niệm về lịch sử và tính chất của nền văn hóa dân tộc. Đề cương đã chỉ ra các giai đoạn trong lịch sử văn hóa Việt Nam và tính chất của văn hóa Việt Nam hiện tại, đó là nền văn hóa “về hình thức là thuộc địa, về nội dung là tiền tư bản”. Theo quan điểm này, văn hóa được nhìn nhận trong quá trình vận động, biến đổi, mang tính khách quan. Đề cương chỉ ra rằng, nền văn hóa Việt Nam trong bối cảnh lúc bấy giờ đang đứng trước thời cơ và thách thức mới: Một mặt, văn hóa dân tộc đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tính chất phong kiến, nô dịch, nhưng mặt khác sự tác động của văn hóa tân dân chủ và những giá trị văn hóa bên ngoài sẽ là cơ sở để văn hóa Việt Nam phát triển mới.
Không dừng lại ở đó, Đề cương đã chỉ ra sự vận động của văn hóa Việt Nam “phải dựa vào cách mạng dân tộc giải phóng mới có điều kiện phát triển”. Đảng lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi sẽ “cởi mở xiềng xích”, tạo cơ sở để phát triển nền văn hóa dân tộc. Lúc đó nền văn hóa Việt Nam không thể nghèo nàn thấp kém, mà phát triển tới “trình độ dân chủ và có tính dân tộc hoàn toàn độc lập”, có thể “đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”.
– Cuộc vận động của văn hóa Việt Nam dựa trên những nguyên tắc nào? Tiếp cận theo quan điểm mácxít, Đề cương văn hóa đưa ra “Ba nguyên tắc vận động cuộc vận động văn hóa nước Việt Nam trong giai đoạn này”, đó là: Dân tộc hóa – Đại chúng hóa – Khoa học hóa. Nội dung các nguyên tắc được giải thích: “Dân tộc hóa” là trong quá trình xây dựng nền văn hóa phải “chống mọi ảnh hưởng nô dịch và thuộc địa” để phát triển nền văn hóa Việt Nam độc lập. “Đại chúng hóa” là “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đồng đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng”. “Khoa học hóa” là “chống lại tất cả những cái gì là cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ”.
Sau khi Đề cương văn hóa ra đời, các nguyên tắc này trong quan điểm của Đảng đã có bước phát triển mới. Năm 1948, trong tác phẩm “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam” (do đồng chí Trường Chinh soạn thảo), một lần nữa khẳng định sự phát triển nền văn hóa dân chủ mới Việt Nam, phải gồm đủ các tính chất “dân tộc, khoa học và đại chúng. Sự phát triển như sau: ví dụ về nguyên tắc “dân tộc hóa”: văn hóa dân tộc được quan niệm không chỉ có một khuynh hướng. Hoặc phát triển nền văn hóa dân tộc theo quan điểm mácxit là xây dựng nền văn hóa vì dân tộc, vì nhân dân, bênh vực và đề cao quyền lợi của nhân dân, chống thực dân xâm lược và bọn Việt gian phản nước, hại nòi. Phát triển nền văn hóa dân tộc trên cơ sở kế thừa những tinh hoa của dân tộc, đồng thời “sẵn sàng tiếp thu những cái hay, cái đẹp, cái tiến bộ của văn hóa nước ngoài…, không bài ngoại, vị chủng”. Về nguyên tắc “khoa học hóa”, văn hóa dân chủ mới Việt Nam là văn hóa tôn trọng tự do, tín ngưỡng, nhưng cũng phản đối mê tín, dị đoan, hủ tục, chống tư tưởng duy tâm, thần bí… Nguyên tắc “đại chúng hóa”, là văn hóa mới phải phục vụ nhân dân, phục vụ xã hội. Sáng tạo giá trị của văn hóa mới phải xuất phát từ cuộc sống của quần chúng, phải nhằm giác ngộ nâng cao nhận thức của quần chúng.
Quan điểm của Đảng cũng khẳng định rằng ba nguyên tắc – tính chất của xây dựng văn hóa mới Việt Nam đồng thời tồn tại, có quan hệ khăng khít không thể tách rời nhau.
Ba nguyên tắc “dân tộc, khoa học, đại chúng” trong Đề cương văn hóa tuy được giải thích một cách ngắn gọn, nhưng mang tính cương lĩnh, định hướng quan trọng. Định hướng đó đã xuất phát từ thực tiễn cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa thiết thực và hành động vì mục đích yêu nước phải góp phần cứu nước, giải phóng dân tộc khỏi áp bức, nô lệ.
Ba là: Chỉ ra những nhiệm vụ cần làm trước mắt của cách mạng văn hóa Việt Nam
– Mục đích trước mắt của cách mạng văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ là gì? là đấu tranh “Chống lại văn hóa phát xít phong kiến, thoái bộ, nô dịch, văn hóa ngu dân và phỉnh dân” và “phát huy văn hóa tân dân chủ Đông dương”. Vì sao, vì văn hóa Việt Nam đang đứng trước những nguy cơ do chính sách văn hóa của Pháp, Nhật đưa lại. Đó là Nhật, Pháp đàn áp, mua chuộc, hăm dọa các nhà văn hóa cách mạng dân chủ chống phát xít, các nhà văn có tài; kiểm duyệt các tài liệu văn hóa cách mạng, ra tài liệu, tổ chức tuyên truyền về văn minh, văn hóa và chủ nghĩa Đại Đông Á, tuyên truyền chủ nghĩa đầu hàng, chủ nghĩa ái quốc mù quáng và hẹp hòi; lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo đề truyền bá phản văn hóa, ngu dân… Trước tác động của thủ đoạn phát xít trong chính sách văn hóa Pháp, Nhật, văn hóa dân tộc đang đứng trước nguy cơ bị “trói buộc văn hóa và giết chết văn hóa Việt Nam”. Nguy hại hơn, thủ đoạn phát xít trong chính sách văn hóa còn gây ra quan niệm về “sự cứu tinh” từ vai trò của văn minh, văn hóa thực dân, phát xít, rằng có thể đưa đến văn minh tiến bộ cho các giống nòi Đại Đông Á.
Trước nguy cơ đó, nhiệm vụ cách mạng văn hóa Việt Nam trước hết là phải đấu tranh về tư tưởng, học thuyết. Đề cương xác định đây là nhiệm vụ quan trọng đầu tiên của cách mạng văn hóa Việt Nam lúc bấy giờ. Cụ thể là đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, học thuyết một mặt nhằm “đánh tan những quan điểm sai lầm của triết học Âu, Á” đang có ảnh hưởng tiêu cực ở nước ta lúc bấy giờ; mặt khác, “làm cho thuyết duy vật biện chứng và duy vật lịch sử thắng”. Quan điểm của Đảng thể hiện nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của văn hóa – tư tưởng, và là vấn đề xuyên suốt, nhiệm vụ trọng tâm trong suốt hơn 90 năm Đảng lãnh đạo cách mạng dân tộc.
Cùng với nhiệm vụ đấu tranh về học thuyết, tư tưởng, nhiệm vụ đấu tranh trong lĩnh vực văn nghệ. Văn học, nghệ thuật trong Đề cương được nhận thức là một trong những lĩnh vực quan trọng của văn hóa. Lúc bấy giờ cuộc đấu tranh ở lĩnh vực này được tập trung vào các trường phái văn nghệ. Sau này trong tác phẩm “Chủ nghĩa Mác và văn hóa Việt Nam”, vấn đề được phân tích rõ hơn: “kiên quyết tẩy trừ những khuynh hướng sai lầm trong văn nghệ, những bệnh vốn có của văn hóa nước nhà hoặc lây truyền bởi văn hóa đồi truỵ của thực dân… Ví dụ: chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa trùm chăn, chủ nghĩa thoát ly, chủ nghĩa trung lập, chủ nghĩa duy mỹ.”. Trong thư gửi Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai (tháng 7/1948), Hồ Chí Minh tiếp tục khẳng định: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy” (Báo Cứu quốc, số 1986, ngày 5/1/1952). Văn hóa nghệ thuật có vai trò to lớn và trách nhiệm của đội ngũ văn nghệ sĩ đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Đối với nhiệm vụ đấu tranh về tiếng nói, chữ viết, Đề cương văn hóa nêu rõ: phải thống nhất về chữ viết trên cơ sở cải cách chữ quốc ngữ và làm giàu thêm tiếng nói trong văn hóa ngôn ngữ dân tộc. Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng của cách mạng văn hóa Việt Nam, đặt nền móng cho nhiệm vụ “giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”. Trong đó, phát triển vốn chữ, viết đúng phép tắc và giữ gìn bản sắc, phong cách tinh hoa của tiếng Việt, được coi là nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng và bảo vệ biểu tượng của một quốc gia trong quá trình phát triển.
Bốn là: Định hướng về cách thức, phương pháp vận động của văn hóa Việt Nam.
Trong bối cảnh lịch sử lúc bấy giờ, Đề cương chỉ ra cách vận động của văn hóa Việt Nam, thứ nhất: “Lợi dụng tất cả khả năng công khai và bán công khai để: Tuyên truyền và xuất bản, tổ chức các nhà văn, tranh đấu giành quyền thực tại cho các nhà văn, nhà báo, nghệ sỹ, chống nạn mù chữ…”. Trong cuộc cách mạng văn hóa – tư tưởng, tuyên truyền là một phương pháp quan trọng, hiệu quả. Quan điểm về cách thức, phương pháp vận động của văn hóa Việt Nam có sự thống nhất. Ba nguyên tắc vận động của nền văn hóa Việt Nam (dân tộc, khoa học, đại chúng) là nền tảng, cơ sở của phương pháp vận động. Thứ hai, cách thức vận động của văn hóa Việt Nam còn phải chú ý “Phối hợp mật thiết phương pháp bí mật và công khai thống nhất mọi hoạt động văn hóa tiến bộ dưới quyền lãnh đạo của Đảng vô sản mác xit”. Trong bối cảnh lúc bấy giờ, phương pháp tuyên truyền vận động của cách mạng văn hóa Việt Nam đặt những vấn đề rất cơ bản, đó là việc xuất bản và nội dung, việc tổ chức đội ngũ văn hóa, văn nghệ, việc chống nạn mù chữ. Cách thức vận động phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Sự ra đời của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là dấu mốc quan trọng trong quan điểm của Đảng ta về vai trò của văn hóa và cuộc cách mạng văn hóa. Đề cương văn hóa không chỉ góp phần thức tỉnh, làm thay đổi nhận thức cả lý luận và thực tiễn, mà còn vạch ra nhiệm vụ, cách thức của vận động văn hóa Việt Nam, tập hợp lực lượng cách mạng cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Những định hướng quan trọng mang tầm triết luận về lý luận và thực tiễn của nền văn hóa dân tộc có ý nghĩa là cuộc cách mạng tư tưởng – văn hóa, góp phần giải quyết thực tiễn Việt Nam trước của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Trong tám mươi năm qua, sau Đề cương văn hóa 1943, Đảng ta đã xây dựng, ban hành một số Nghị quyết có ý nghĩa là cương lĩnh văn hóa quan trọng. Quan điểm của Đảng về văn hóa, vai trò của xây dựng nền văn hóa Việt Nam đã ngày càng được bổ sung, phát triển mới cả về tư duy lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn giữ nguyên giá trị của một cương lĩnh văn hóa đầu tiên của Đảng. Những giá trị cốt lõi của Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 không chỉ góp phần giải quyết thực tiễn cách mạng dân tộc trong bối cảnh lịch sử, mà còn đặt nền móng cho sự phát triển nền văn hóa Việt Nam trong sự nghiệp cách mạng dân tộc, xây dựng phát triển đất nước và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay./.
ThS. Nguyễn Văn Dương
PGĐ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch
Chú thích:
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng – Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tập 7, tr.316-321.
2. Hồ Chí Minh: Về văn hóa. Bảo tàng Hồ Chí Minh, Hà Nội, 1997, tr.11.