Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, sau khi Pháp xâm lược nước ta vào năm 1858, xã hội Việt Nam trở thành xã hội thuộc địa nửa phong kiến, yêu cầu khách quan đặt ra lúc này là độc lập dân tộc và dân chủ. Nhằm hướng tới mục tiêu giải phóng dân tộc, các phong trào yêu nước và đấu tranh của nhân dân ta phát triển mạnh mẽ theo nhiều khuynh hướng khác nhau. Tuy nhiên, dù diễn ra liên tục, quy mô lớn, tính chất ngày càng mới mẻ nhưng cuối cùng các cuộc khởi nghĩa đều bị đàn áp, các phong trào đấu tranh đều đi đến tan rã, bế tắc. Nguyên nhân chính của sự thất bại đó là do thiếu đường lối và một tổ chức lãnh đạo đúng đắn.
Từ thực tiễn của Việt Nam, trải qua quá trình tìm đường cứu nước, đến với chủ nghĩa Mác-Lênin, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy rằng: Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc thì trước hết phải có “Đảng Cách Mệnh” để “trong thì vận động tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi”. Xuất phát từ nhận thức này, Người từng bước truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin về nước, ra sức chuẩn bị về mọi mặt để tiến tới thành lập một chính đảng ở Việt Nam nhằm phát triển phong trào công nhân và phong trào yêu nước.
Đầu năm 1930, với tư cách là Ủy viên Bộ phương Đông, phụ trách Cục phương Nam của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc chủ động triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản tại Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc). Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản Việt Nam gồm các đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng và An Nam Cộng sản Đảng (Đông Dương Cộng sản Liên đoàn không kịp cử đại biểu đến họp – BT). Sau nhiều ngày thảo luận, dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc, các đại biểu dự Hội nghị đã đồng thuận với đề nghị của Người, hợp nhất thành lập một Đảng Cộng sản duy nhất, lấy tên là Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là kết quả tất yếu của cuộc đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp, đánh dấu bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc, chấm dứt sự khủng hoảng về đường lối và tổ chức lãnh đạo của phong trào yêu nước tại Việt Nam.
Cũng tại Hội nghị đã nhất trí thông qua 7 tài liệu, văn kiện, trong đó có 4 văn bản hợp thành nội dung Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng bao gồm: Chính cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất cả các tài liệu, văn kiện nói trên đều do Nguyễn Ái Quốc khởi thảo dựa trên cơ sở vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, đường lối Đại hội VI (1928) của Quốc tế Cộng sản; nghiên cứu sâu sắc đường hướng và cách thức hoạt động của những tổ chức cộng sản trong nước, tình hình cách mạng thế giới và Đông Dương vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam.
Sau Hội nghị hợp nhất thành lập Đảng, các đại biểu Đông Dương Cộng sản Liên đoàn mới có mặt tại Hồng Công và yêu cầu xin gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam. Đến ngày 24-2¬1930, việc hợp nhất ba tổ chức cộng sản thành một chính đảng cộng sản duy nhất ở Việt Nam mới được hoàn tất trên thực tế.
Vào thời điểm lịch sử ấy, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, với kinh nghiệm hoạt động thực tiễn phong phú, thấm nhuần tri thức lý luận cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác-Lênin, đã khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản”(1). Thông qua Cương lĩnh, Người đã đưa ra các luận điểm cách mạng cơ bản, đánh giá chính xác tính chất xã hội Việt Nam và chỉ rõ mâu thuẫn cơ bản, chủ yếu là giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với đế quốc thực dân xâm lược; xác định rõ về mục tiêu, nhiệm vụ cơ bản của cách mạng là chống đế quốc, chống phong kiến, thực hiện giải phóng dân tộc theo con đường cách mạng vô sản, phân tích mối quan hệ gắn bó giữa hai nhiệm vụ cơ bản là chống đế quốc và chống phong kiến gắn bó chặt chẽ với nhau nhưng trước hết phải đánh đổ đế quốc, “làm cho nước Việt Nam hoàn toàn độc lập”, “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản” nhằm giải quyết triệt để nhu cầu độc lập và phát triển của dân tộc, cũng như xác định con đường phát triển của cách mạng Việt Nam là gắn độc lập dân tộc với chủ nghĩa xã hội, kết hợp giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp, giải phóng con người. Cương lĩnh khẳng định sự lựa chọn con đường cứu nước, giải phóng dân tộc là con đường cách mạng vô sản, gắn kết độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đưa cách mạng Việt Nam hòa vào dòng chảy chung của cách mạng thế giới.
Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam với Cương lĩnh chính trị đúng đắn đã tạo nên sự thống nhất về tư tưởng, chính trị và hành động của phong trào cách mạng cả nước. Toàn bộ Cương lĩnh đầu tiên của Đảng toát lên tư tưởng lớn là cách mạng dân tộc dân chủ Việt Nam tất yếu đi tới cách mạng xã hội chủ nghĩa, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Sự nghiệp đó là của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hướng đến xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “Cương lĩnh ấy rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đại đa số nhân dân ta là nông dân. Vì vậy, Đảng đã đoàn kết được những lực lượng cách mạng to lớn chung quanh giai cấp mình”(2). Dù là vắn tắt, tóm tắt, song nội dung các tài liệu, văn kiện này tập trung đầy đủ tính khoa học, cách mạng, sáng tạo của tư duy Nguyễn Ái Quốc trong việc hoạch định những nét cơ bản về đường lối chiến lược, sách lược của cách mạng Việt Nam.
Từ những nội dung được đề cập trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng có thể khẳng định rằng, đây là lần đầu tiên cách mạng Việt Nam có một văn kiện chính trị phản ánh đúng quy luật phát triển của xã hội Việt Nam trong điều kiện lịch sử mới; đáp ứng những nhu cầu cơ bản và cấp bách của xã hội Việt Nam, phù hợp với xu thế của thời đại.
Trải qua 93 năm, qua thực tiễn đấu tranh cách mạng và xây dựng đất nước đã khẳng định sự đúng đắn của Cương lĩnh chính trị đầu tiên. Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn kiên định con đường cách mạng được xác lập tại Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng: “đối với nước ta, không còn con đường nào khác để có độc lập dân tộc thật sự và tự do hạnh phúc cho nhân dân. Cần nhấn mạnh rằng đây là sự lựa chọn của chính lịch sử, sự lựa chọn đã dứt khoát từ năm 1930 với sự ra đời của Đảng”(3). Những định hướng về những vấn đề có tính chiến lược của cách mạng Việt Nam được đề cập trong Cương lĩnh chính là nền móng, cơ sở quan trọng để Đảng ta cụ thể hóa và có bổ sung, phát triển trong đường lối, chủ trương; trong tổ chức chỉ đạo thực tiễn ở từng giai đoạn lịch sử, trở thành động lực, nguồn lực to lớn trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ở những giai đoạn, những thời điểm có ý nghĩa bước ngoặt của lịch sử, chúng ta đã có thêm nhiều Cương lĩnh hoặc những văn bản mang tính cương lĩnh, song những văn kiện này đều có mối liên hệ kế thừa và phát triển trên nền tảng Cương lĩnh chính trị đầu tiên.
Trên nền tảng mục tiêu độc lập dân tộc, gắn liền với chủ nghĩa xã hội được xác định trong Cương lĩnh, trong suốt quá trình lãnh đạo, chỉ đạo cách mạng Việt Nam, Đảng ta đã luôn nắm bắt thực tiễn, kiên trì mục tiêu lý tưởng và không ngừng bổ sung phát triển, hoàn thiện quan niệm về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Điều này càng được thể hiện rõ sau Đại hội XIII của Đảng, nhiều vấn đề về xây dựng và phát triển đất nước đã và đang tiếp tục được kế thừa trên cơ sở Cương lĩnh chính trị đầu tiên, trong đó nhấn mạnh: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực… thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước”(4). Những mục tiêu to lớn mà Đại hội XIII của Đảng nêu ra cho các mốc thời gian cụ thể đòi hỏi quyết tâm chính trị cao; nỗ lực lớn, khát vọng phát triển mạnh mẽ, giải phóng mọi nguồn lực để xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn chủ trương bảo đảm lợi ích quốc gia theo mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, “phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(5). Kiên định độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội trở thành sợi chỉ đỏ xuyên suốt, không chỉ tạo cơ sở lý luận và thực tiễn cho con đường phát triển của cách mạng Việt Nam mà còn là điều kiện tiên quyết trong hành trình đi tới mục tiêu vì một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định:“Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”(6). Đây là quan điểm có tính nguyên tắc của Đảng, với tinh thần không ngừng đổi mới sáng tạo trên cơ sở tuân theo các quy luật khách quan, kế thừa tinh hoa văn hóa, truyền thống dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và những kinh nghiệm thành công của quốc tế phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Trong tiến trình đổi mới, Đảng nhận diện ngày càng rõ hơn vấn đề độc lập dân tộc và CNXH trước bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng. Thông qua những quyết sách đúng đắn, mạnh mẽ, sáng tạo được thể hiện trong 12 định hướng, các mục tiêu phát triển đất nước, 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 đột phá chiến lược sẽ đưa đất nước phát triển lên một giai đoạn mới trên con đường độc lập dân tộc và CNXH được xác định tại Đại hội XIII của Đảng đã được cụ thể bằng các văn kiện có ý nghĩa định hướng về nhận thức, hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong nhiều năm tới, tạo ra những thành tựu to lớn mang ý nghĩa lịch sử như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói:“Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(7).
Có thể thấy rằng, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng là một cương lĩnh đúng đắn và sáng tạo theo con đường cách mạng Hồ Chí Minh, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại mới, đáp ứng yêu cầu khách quan của lịch sử, nhuần nhuyễn quan điểm giai cấp và thấm nhuần tinh thần dân tộc. Trước những thuận lợi và những khó khăn thách thức mới, Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng càng khẳng định tính đúng đắn, chiến lược, thể hiện tầm vóc lịch sử, những vấn đề cơ bản mang tính quy luật của cách mạng Việt Nam, nhằm góp phần hiện thực hóa khát vọng Việt Nam phát triển mạnh mẽ, hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc./.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.30.
2. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011, tập 12, tr.407.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb. Sự thật, H.1991, tr.109.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.34.
5. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.111-112.
6. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nxb. Chính trị Quốc gia-Sự thật, H.2021, tập 1, tr.109.
7. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia-Sự thật; H.2021; tập 1, tr.103-104.