BÁC HỒ VỚI CÔNG TÁC GIÁO DỤC ĐÀO TẠO
Sinh thời Bác Hồ rất quan tâm đến công tác giáo dục thế hệ trẻ nói chung, công tác dạy học nói riêng. Người đã dạy rằng: một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội trước hết cần có con người xã hội chủ nghĩa.
Con người mà Bác mong muốn đào tạo không chỉ có lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh anh dũng, có lí tưởng cách mạng, phẩm chất, đạo đức mà còn phải có tri thức khoa học, kĩ năng lao động sản xuất… Có như vậy thì dân tộc ta mới có sức mạnh tinh thần và thể chất để vượt bao khó khăn, gian khổ trong chinh phục thiên nhiên, chiến thắng giặc ngoại xâm, đảm bảo một cuộc sống hạnh phúc, văn minh, tiến bộ, thích ứng về với thời đại, xã hội mới. Qua những bài nói, bài viết của Người về giáo dục – đào tạo và dạy học, có thể rút ra một số nội dung cơ bản sau:
Về mục tiêu của giáo dục và dạy học
Năm 1945, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh trình bày những nhiệm vụ cấp bách cần giải quyết ngay. Trong đó, vấn đề thứ hai là “nạn dốt”. Nạn mù chữ của nhân dân ta được Người coi là một thứ giặc nguy hại không kém gì giặc ngoại xâm. Người khẳng định: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy tôi đề nghị mở một chiến dịch để chống nạn mù chữ”.
Bác chỉ ra rằng nền giáo dục mới và nhà trường mới phải thực hiện hoạt động dạy và học theo mục tiêu: Học để làm việc, làm người, làm cán bộ; học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại; học để sửa chữa tư tưởng; học để tu dưỡng đạo đức cách mạng; học để tin tưởng và học để hành.
Trong bài “Nâng cao trách nhiệm chăm sóc và giáo dục thiếu niên, nhi đồng”, kí tên TL. đăng trên báo Nhân dân số 5526, ngày 1-6-1969, Người viết: “Thiếu niên, nhi đồng là người chủ tương lai của nước nhà. Vì vậy chăm sóc và giáo dục tốt cho các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Công tác đó phải làm kiên trì, bền bỉ… Vì tương lai của con em ta, dân tộc ta, mọi người, mọi ngành phải có quyết tâm chăm sóc và giáo dục các cháu bé cho tốt”.
Trong Di chúc, Bác viết: “Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng xã hội chủ nghĩa vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Như vậy, mục tiêu cao cả của giáo dục là bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, bồi dưỡng những chủ nhân tương lai của nước nhà.