Từ đó trở đi, quyết tâm lớn nhất của Người là phải bằng mọi cách để thực hiện được mục đích đó của mình. Người làm việc như một người lao động thực sự; viết đơn xin học Trường Thuộc địa với ý định đã có từ lúc trạc 13 tuổi là “muốn làm quen với nền văn minh Pháp, muốn tìm xem những gì ẩn đằng sau những chữ ấy”(1). Ý định này bộc lộ một tầm nhìn xa trông rộng, sáng tạo và bản lĩnh của Người trong việc khám phá, khai thác văn minh nhân loại, khoa học công nghệ của thế giới tư bản, của những nước có kẻ đi xâm lược đồng bào mình để phục vụ cho đồng bào mình.

Một thanh niên yêu nước tham gia cuộc đấu tranh quyết liệt chống thực dân phương Tây xâm lược, ngay từ đầu lại hướng tới phương Tây để làm quen với văn minh, văn hóa phương Tây quả là một điều kỳ lạ, riêng có. Sau này, như Người đã chỉ rõ: “Khổng Tử, Giêxu, Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải đã có những ưu điểm chung đó sao? Họ đều muốn “mưu hạnh phúc cho loài người, mưu phúc lợi cho xã hội”. Nếu hôm nay họ còn sống trên đời này, nếu họ hợp lại một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất hoàn mỹ như những người bạn thân thiết” (2). Nguyễn Tất Thành “Tây du” với đầu óc rộng mở, tấm lòng rộng mở và với tinh thần khoan dung văn hóa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Gần một phần ba thế kỷ bôn ba nước ngoài, chủ yếu là ở Pháp, Nga và một số nước châu Âu, Người đã tiếp thu nền văn hóa châu Âu thế kỷ XVIII-XIX, trong đó có nhiều tư tưởng tiến bộ. Đáng kể trước nhất phải kể đến thời kỳ Người sống và hoạt động ở Pháp (1917-1923), thời kỳ đã để lại những dấu ấn sâu đậm và rất quan trọng đối với cuộc đời cách mạng của Người và đối với cách mạng Việt Nam.

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>

 Từ ngày 25 đến 30-12-1920, chàng thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc ủng hộ Luận cương của Lê-nin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và cũng là người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu/TTXVN

6 năm Nguyễn Ái Quốc tự học, tự nghiên cứu một cách cần mẫn tại các thư viện ở Pháp

Paris, thủ đô của nước Pháp cũng đồng thời là trung tâm văn hóa – nghệ thuật của châu Âu. Các trào lưu triết học và các trường phái nghệ thuật nổi tiếng thế giới phần lớn đều được hình thành và ra mắt tại đây. Sống ở giữa nơi hợp lưu của các dòng văn hóa thế giới, Nguyễn Ái Quốc có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng chiếm lĩnh vốn tri thức của thời đại, đặc biệt là truyền thống văn hóa dân chủ và tiến bộ của nước Pháp. Người thường chỉ làm việc vào buổi sáng để kiếm tiền sinh sống, còn buổi chiều Người dành để đi đến thư viện hoặc đến dự những buổi nói chuyện chính trị, buổi tối thì đi mít-tinh. Có thể nói 6 năm ở Pháp là 6 năm Nguyễn Ái Quốc tự học, tự nghiên cứu một cách cần mẫn tại các thư viện. Người ham đọc Voltare, Rousseau và cũng đọc nhiều tác phẩm tác phẩm văn học của Shakespeare, Dickens, Huygo, Zola, Anatole France… Người còn gia nhập các hội như Hội “Nghệ thuật và khoa học” và Hội “Những người bạn của nghệ thuật”. Những hội này mỗi tuần tổ chức các cuộc đi thăm viện bảo tàng, nhà máy, phòng thí nghiệm, xưởng nghệ thuật, nhà hát,… và sẽ có những nhà chuyên môn giải thích các vấn đề, lĩnh vực này. Do đó, Người có thêm những khả năng nhất định trong việc viết văn, làm thơ, tiểu thuyết, viết kịch, diễn kịch, chụp ảnh và vẽ tranh… Người vào cả Hội “Du lịch” và nhờ vậy mà đi thăm được nhiều nơi ở Pháp, Ý, Thuỵ Sĩ, Đức và cả Toà thánh Va-ti-căng. Đến nước nào, Người cũng để ý tìm hiểu xem ở những nước ấy người ta sống thế nào, tổ chức hành chính và quản lý xã hội ra sao?

Nguyễn Ái Quốc còn thường xuyên tham gia các buổi sinh hoạt ở Câu lạc bộ Faubourg (Câu lạc bộ ngoại ô). Dự những buổi sinh hoạt này, có nhiều người thuộc đủ các thành phần, xu hướng chính trị như: Bác học, cựu bộ trưởng, nghị viên, nhà thơ, thợ thuyền, người đi buôn, người già và người trẻ. Chính ở đây Nguyễn Ái Quốc đã làm quen với những nhân vật nổi danh như chính trị gia Léon Blum (sau này là Thủ tướng Pháp), nhà văn Vaillant Couturier, giáo sư Marcel Cachin, nghị viên Mac Saugnier, nữ văn hào Colette… Ở đây có một không khí thân mật và dân chủ, giống như ở các câu lạc bộ Jacobin thời Đại cách mạng Pháp. Người ta thảo luận về mọi vấn đề, từ thiên văn, địa lý, chính trị, văn học cho đến cách trồng cải xoong và nuôi ốc sên, cả những vấn đề thôi miên, bản năng, siêu hình, phụ đồng, mộng mị, về sự chết, thuyết luân hồi… Hầu hết trong những buổi mít tinh này, Nguyễn Ái Quốc đều phát biểu ý kiến và khi phát biểu Người thường khéo lái những vấn đề đang thảo luận sang vấn đề thuộc địa, đặc biệt là vấn đề Việt Nam. Nhận xét về những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc trong Câu lạc bộ, ông Léo Poldès – Chủ nhiệm Câu lạc bộ, đã viết: “Chỉ là người thợ ảnh giản dị ở ngõ hẻm Côngpoanh, ông đã từng tham dự với chúng tôi trong những cuộc thảo luận náo nhiệt. Ngay những người cừu địch với ông không ai không thán phục trí thông minh, tài năng và lòng thành thực của ông” (3).

<a title="Báo Quân đội nhân dân | Tin tức quân đội, quốc phòng | Bảo vệ Tổ quốc" style="text-align:center;" href="https://www.qdnd.vn"><img src="https://file3.qdnd.vn/data/images/0/2021/08/11/linh/bannerv2.png" class="vllogo"></a>
 Năm 1923, Nguyễn Ái Quốc tới Moskva (Nga) để tham gia các hoạt động của Quốc tế Cộng sản. Người sống và làm việc từ cuối năm 1923 đến đầu năm 1924 tại khách sạn Lux – số 10 phố Tverskaya. Khách sạn Lux lúc này là nơi được dành riêng cho cán bộ, lãnh tụ giai cấp công nhân từ khắp nơi đến với Quốc tế Cộng sản. Ảnh: Tư liệu/TTXVN.

Đặc biệt, hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã học được nhiều ở những đảng viên xã hội và cộng sản Pháp. Người kết giao với  Jacques Duclos (lãnh đạo Đảng Cộng sản và là nghị sĩ có uy tín của Quốc hội Pháp), Jean Longuet (nhà báo, nghị sĩ Quốc hội Pháp, cháu ngoại của K.Marx)… Họ đã giúp Nguyễn Ái Quốc tìm hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin. Cùng với Longuet, Monmousseau (nhà báo, nhà hoạt động công đoàn nổi tiếng) đã giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc học tiếng Pháp và viết báo; sau này có cả nhà văn nổi tiếng thế giới Henri Barbusse không ngừng động viên, giúp đỡ Nguyễn Ái Quốc dũng cảm bước tiếp trên con đường của nhà báo cách mạng.

Cứ như vậy, Nguyễn Ái Quốc tiếp xúc với nền văn hóa phương Tây và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nó. Đặc biệt, Người đánh giá cao những thành tựu to lớn mà cách mạng tư sản đem lại cho nhân loại trên con đường của tự do dân chủ và văn hóa. Người quan tâm tìm hiểu những khẩu hiệu nổi tiếng đó trong các cuộc cách mạng tư sản ở Anh, Pháp, Mỹ. Người đã có dịp tìm hiểu cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Mỹ với bản Tuyên ngôn độc lập nổi tiếng năm 1776. Người đánh giá đây là cuộc cách mạng không triệt để và khẳng định không đi theo hình mẫu của cách mạng đó. Nghiên cứu cách mạng tư sản Pháp năm 1789, Người rút ra 5 bài học mà cách mạng Pháp dạy cho chúng ta: Dân chúng công nông là gốc cách mệnh; Cách mệnh thì phải có tổ chức rất vững bền mới thành công; Đàn bà trẻ con cũng giúp làm việc cách mệnh được nhiều; Dân khí mạnh thì quân lính nào, súng ống nào cũng không chống lại; Cách mệnh Pháp hy sinh rất nhiều người mà không sợ; ta muốn làm cách mệnh thì cũng không nên sợ phải hy sinh. Người đã kế thừa, phát triển những quan điểm nhân quyền, dân quyền trong Bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Mỹ, Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền năm 1791 của Pháp và đề xuất quan điểm về quyền mưu cầu độc lập, tự do, hạnh phúc của các dân tộc trong thời đại ngày nay.

Lê nin đã từng nói: “Chỉ những người cách mạng chân chính mới thu hái được những hiểu biết quý báu của các đời trước để lại”. Trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh đã tiếp thu các tinh hoa văn hóa nhân loại một cách có chọn lọc rồi vận dụng tinh hoa đó một cách sát hợp vào những điều kiện cụ thể của đất nước, của dân tộc vì mục đích không chỉ cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mình mà còn góp phần tích cực nhất vào sự nghiệp của các dân tộc khác trên thế giới. Nhờ cách tiếp thu sáng tạo những di sản này để mưu cầu hạnh phúc cho dân tộc và loài người và với nhiều cống hiến khác trong giáo dục nghệ thuật, giao lưu quốc tế và giữ gìn bản sắc dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được UNESCO tôn vinh là anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hoá kiệt xuất.

VŨ KIM YẾN (Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch)


(1) Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia- Sự thật, H.2011, t.1, tr.461

 (2) Hồ Chí Minh Truyện (Bản dịch Trung văn của Trương Niêm Thức. Bát Nguyệt xuất bản xã Thượng Hải xuất bản, 1949). Dẫn theo Phan Văn Các. Nho giáo xưa và nay. Nxb Khoa học xã hội, H.1991

 (3) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử (xuất bản lần thứ ba, có chỉnh sửa, bổ sung), Nxb Chính trị quốc gia – Sự thật, tập 1, H.2016, tr.118