Từ đó đến nay cũng có nhiều người bàn luận vấn đề này. Nói cách khác vấn đề không mới. Nhưng riêng tôi thì có sự đổi mới về cách nhìn. Sự đổi mới này cũng bắt nguồn từ công cuộc Đổi mới hơn chục năm nay ở Việt Nam mà cụ thể là đổi mới cách nhìn nhận vấn đề văn hoá và giao lưu văn hoá. Nói tóm tắt là: Trước đây chúng tôi ra sức chứng minh Hồ Chí Minh chỉ tiếp thu các thuật ngữ, các mệnh đề Nho giáo nhưng lại phú cho nó một hàm nghĩa Cách mạng, khác hẳn nội tại vốn có. Nhìn bề ngoài thì đó là một luận điểm hợp lý, nhưng thực chất là một cách nhìn cực đoan. Nay qua quá trình nghiên cứu văn hoá Trung Quốc, tiếp xúc với lý thuyết Nho giáo mới, được sự thúc đẩy của yêu cầu đổi mới mà trước hết là đổi mới tư duy, tôi khẳng định cội nguồn Nho giáo Việt Nam của những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh được nhân dân Việt Nam thời nay tiếp nhận một cách tâm phục.
Để triển khai đề tài, bài viết sẽ gồm 3 phần:
I Văn hoá Việt Nam đã tiếp biến (Acculturation) Nho giáo Trung Quốc để kết hợp với Nho giáo Đại Việt hình thành một loại Nho giáo Việt Nam lấy nghĩa làm trọng.
II Hồ Chí Minh được đào luyện môi trường Nho giáo Việt Nam, trước khi tiếp nhận văn hoá Aâu Mỹ và văn hoá Xô Viết.
III Những lời dạy của Người có cội nguồn Nho giáo Việt Nam nên đã khéo léo đưa chân lý cách mạng cao siêu đến với người dân bình thường bằng cách nói thân thuộc. Trước khi đi vào báo cáo xin được bày tỏ lònh kính trọng đối với công trình Bàn về đạo Nho của học giả quá cố Nguyễn Khắc Viện (NXB Trẻ, 1998) Bản tiếng Việt này đã in kèm một loạt phụ lục, giúp tôi hiểu kỹ hơn bài viết rất nhiều tranh luận bằng tiếng Pháp “Confucianisme et Marxisme au Việt Nam” đăng trên tạp chí La pensée số 10 năm 1962. Tối tán thành quan điểm tổng quát của Nguyễn Khắc viện là Nho giáo đã giúp người Việt Nam tiếp thu chủ nghĩa Mác- Lênin dễ dàng hơn.
Tôi cũng xin được nghiêng mình trước vong linh học giả Đào Phan, một người ít nổi tiếng nhưng rất có chủ kiến. Báo cáo của tôi có tham khảo nhiều bài viết của Đào Phan. Mặc dù sống theo đạo lý “tri túc” của Lão Tử, nhưng tôi phải ghi nhận ở đây sự gợi mở của những người đi trước, mặc dù làm như vậy sẽ có người chê tôi là “thấy sang thì bắt quàng làm họ”.
I. VĂN HOÁ VIỆT NAM ĐÃ TIẾP BIẾN NHO GIÁO TRUNG QUỐC ĐỂ KẾT HỢP VỚI VĂN HOÁ VIỆT HÌNH THÀNH MỘT LOẠI NHO GIÁO VIỆT NAM LẤY NGHĨA LÀM TRỌNG
Đây là một luận đề lớn, có thể viết thành một cuốn sách. Vả lại chúng cũng phải chờ đợi những thành tựu mới về phương diện khảo cổ, về những nghiên cứu văn hiến cổ.
Ở đây xin chỉ nêu vắn tắt quan điểm của tôi, giành số trang cho phần 2 và 3.
Theo tôi quan điểm sau: Trước khi tiếp xúc với văn hoá Hán vào đầu Công nguyên, người Việt cổ đã có nền văn hoá của riêng mình. Nhiều nhà nghiên cứu gọi đó là nền văn hoá Aâu Lạc. Văn hoá Aâu Lạc thuộc loại hình nông nghiệp lúa nước, nguyên người Việt cổ đã có nền văn hoá của riêng mình. Nhiều nhà nghiên cứu gọi là nền văn hoá Aâu Lạc. Văn hoá Aâu Lạc thuộc loại hình nông nghiệp lúa nước, ở nhà sàn, cấy lúa nước, thờ chim và rắn. Đó là một trong các chi nhánh của loại hình văn hoá Đông Nam Á.
Một nghìn năm Bắc thuộc và tiếp đó một nghìn năm độc lập nhưng luôn luôn phải đối phó với quân xâm lược đến từ phương Bắc, văn hoá Việt cổ đã tiếp biến những giá trị văn hoá Trung Hoa mà nổi bậc nhất là chữ Hán và Nho giáo để bổ sung và hoàn thiện nền văn hoá Việt. Về điểm này có thể đọc cuốn Văn hoá và đổi mới của cố vấn BCHTƯ Đảng CSVN Phạm Văn Đồng, trong đó ông khẳng định: 1000 năm Bắc thuộc, Việt Nam chủ yếu tiếp biến chữ Hán để làm ra chữ Nôm và Nho giáo để làm ra Nho giáo Việt Nam.
Có thể chấp nhận quan điểm của giáo cư Nhật Bản Tsuboi Yoshiharu mà cũng là quan điểm của nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam rằng Nho giáo Việt Nam lấy chữ Nghĩa làm đầu (trong lúc đó Nho giáo Trung Quốc lấy chữ Trung làm đầu, Nho giáo Hàn Quốc lấy chữ Thuần làm đầu (3). Tôi không hiểu Nho giáo ở Nhật Bản, ở Hàn Quốc nhưng tôi bày tỏ lòng kính trọng đối với giáo sư Tsuboi Yoshiharu vì ông đã thông cảm với người Việt Nam trong hoàn cảnh khác người Nhật, người Hàn là luôn luôn bị phương Bắc đe doạ và Nho giáo đến với dân tộc chúng tôi như một lý thuyết của thể chế cai trị và người Việt Nam đã không khéo tiếp biến nó để chống lại sự xâm lược, tăng thêm nội lực của nền văn hoá dân tộc. Chính vì được sản sinh trong hoàn cảnh như vậy cho nên người Việt Nam đề cao chữ “nghĩa”, là một phạm trù đạo đức của Nho giáo và cả của Mặc gia trong đó nhấn mạnh sự đoàn kết tương thân tương ái và còn nhấn mạnh cả kỷ cương trong quan hệ giữa cộng đồng và cá nhân. Chữ nghĩa gồm phần trên là chữ Dương với thuộc tính cộng đồng, phần dưới là chữ Ngã với thuộc tính cá thể . Như vậy “nghĩa” là một phạm trù đạo đức xác định sự gắn kết giữa người với người trong yêu cầu đặt lợi ích cá nhân dưới lợi ích cộng đồng.
Có lẽ cần tham khảo thêm ý kiến của một số người cho rằng Nho giáo Việt Nam còn nhấn mạnh thêm chữ Hoà trong mệnh đề: Quân tử giả, hoà nhi bất đồng (có thể dịch:người quân tử hoà nhập mà không hoà tan).
– Về vấn đề Nho giáo Việt Nam thuộc cội nguồn Nho giáo nguyên thuỷ (Khổng- Mạnh), Hán Nho hay Tống Nho? Theo tôi nghĩ phải nhìn từ hai phía. Trong dân gian, nghĩa là trong đời sống văn hoá bền vững của dân chúng thì ảnh hưởng của Nho giáo nguyên thuỷ là chủ yếu. Nói cho thật chính xác, nhân dân đã tiếp biến những tín điều của Khổng Mạnh mà họ thấy thích hợp, gần gũi với lẽ sống vốn có của họ.
Nhìn tổng quát, đó là cảm hứng trách nhiệm (sens de la responsabilité); trách nhiệm với cuộc đời, với gia đình, với làng nước và trách nhiệm với cả suy nghĩ và hành động thầm kín của bản thân. Trên tinh thần đó họ tiếp thu dễ dàng mệnh đề Tu thân, tề gia, trị quốc.. Có thể họ không biết chữ lễ của Khổng Tử có hàm nghĩa gì, cũng không cực đoan đến mức “thịt thái không vuông vắn thì không ăn, chiếu giải không ngay ngắn thì không ngồi” nhưng họ thấy cần có lễ, cần có tôn ti trật tự “ăn xem nồi, ngồi xem hướng” … Khổng Tử còn có sự phân biệt nhân (quân tử) và dân (tiểu dân) và từng nói: Dân chỉ cần bảo họ làm không cần cho họ biết (làm để làm gì) (Dân khả sử cho chi, bất khả sử trí chi. Thái Bá) nhưng người dân Việt vốn giàu tinh thần tương thân ái “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, Người trong một nước phải thương nhau cùng” đã tiếp thu chữ Nhân của Khổng Tử với nội hàm trung (Kỷ sở lập, lập ư nhân – Điều mình không muốn thì cũng tránh cho người khác). (Trung dung. Lễ Ký) Tương tự như thế, họ tiếp thu tư tưởng dân bản của Mạnh Tử, nhưng cũng chủ yếu tiếp thu mệnh đề: Dân vi quý, quân vi khinh… và tư tưởng đó được thể hiện rõ qua câu ca dao cổ: Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa. Bao giờ dân nổi cơn qua, con vua thất thế thì ra quét chùa. Tư tưởng này cũng được nhà văn hoá lớn Nguyễn Trãi (thế kỷ 15) nhắc lại trong lời khuyên: Dân như nước, vua như thuyền; nước dâng thuyền cũng có thể lật thuyền.
Nói vắn tắt, đại đa số nhân dân lớp dưới đã tiếp thu những mệnh đề về lòng nhân ái vị tha và tinh thần trách nhiệm với xã tắc cũng như ý thức tự cường của Nho giáo nguyên thuỷ vốn rất gần gũi với nhân sinh quan và đạo đức quan của người Việt cổ. Sự tiếp thu này không phải thông qua sách vở hay trường học mà chủ yếu thông qua các ông đồ nho ở làng quê.
Trở lên trên là nhìn cội nguồn Nho giáo Việt Nam từ phía đại chúng nhân dân. Nhìn từ phía thứ 2, tức là tầng lớp nho sĩ được hưởng một nền giáo dục chính quy có địa vị cao trong xã hội vấn đề cũng không đơn giản. Tuỳ thời đại, tuỳ thị hiếu các triều đại, tuỳ mối quan hệ giao lưu nóng lạnh khác nhau với các vương triều Trung Quốc mà Nho giáo Việt Nam ở các thời kỳ có cội nguồn khác nhau.
Nho giáo Trung Quốc truyền vào Việt Nam từ đầu công nguyên trải qua các triều đại Lý, Trần càng ngày càng có ảnh hưởng sâu sắc. Nhưng thế kỷ XV về sau, vào các triều Hậu Lê và Nguyễn mới hình thành một đội ngũ đông đảo các văn nhân học sĩ giải thích, bàn luận về Nho giáo. Có thể thấy khuynh hướng chung là có cội nguồn Tống Nho nhưng cũng có cả Hán Nho, Đường Nho.
Chúng ta đều biết đời Hán có số lượng nhà nho nhiều nhất và có khuynh hướng trọng sử, đề cao kinh Xuân thu. Đổng Trọng Thư là người luận giải Xuân Thu kỹ càng nhất. Ngoài ra còn có Tư Mã Thiên, Lưu Hướng, Lưu Hâm, Dương Hùng, Vương Sung… Vào thời Lê – Việt Nam, các học giả Ngô Thì Du (viết 7 trong số 17 hồi của Hoàng Lê Nhất Thống Chí), Phạm Đình Hổ (tác giả cuốn Tang thương ngẫu lục) rồi Phan Huy Chú, Cao Bát Quát và sau đó Lý Văn Phức, Nguyễn Văn Siêu đều có xu hướng trọng Hán Nho, đề cao Xuân Thu học tập Sử Ký.
Chúng ta cũng biết Đường Nho đề cao Tứ Thư đặc biệt là Luận Ngữ và Mạnh Tử. Những người theo khuynh hướng Đường Nho. Họ đặc biệt coi trọng Kinh Địch trong Ngũ Kinh và Trung Dung, Đại học trong Tứ Thư. Có lẽ cái mà người ta thường phê phán Tống Nho là tuyệt đối hoá vương quyền. Triều Nguyễn với Gia Long (1802-1820), Minh Mạng (1820-1840), Thiệu Trị (1841-1847), Tự Đức (1848-1883)… đã rập khuôn lý thuyết triết học và thể chế chính trị Tống Nho. Trong đó chỗ thể hiện điểm cực đoan của Tống Nho rõ nhất là điều khoản 4 không (Tứ bất) trong Hoàng triều luật. Đó là thi cử không lấy trạng nguyên (giành chỗ cao nhất cho vua) triều đình không đặt tể tướng, hậu cung không được sách phong Hoàng hậu, tước vương không phong cho ngoại tộc.
Triều Nguyễn, văn nhân học sĩ theo phái Tống Nho gồm hai loại: Loại thứ nhất gồm các bề tôi vào sinh ra tử với chúa Nguyễn như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhân Tĩnh, Lê Quang Định, … hoặc không có công phò tá khai sơn nhưng có tài, trở thành nhà lý luận đắc lực như Đặng Đức Siêu, Nguyễn Đăng Tuân, Hoàng Kim Xán. Loại thứ hai gồm những nhà khoa bảng đương triều được phong tước lộc như Trương Đăng Quế, Hà Duy Phiên, Phan Thanh Giản, Trần Bích San… Cũng cần kể thêm các vị vua như Minh Mạng (Nguyễn Phước Hiệu), Thiệu Trị (Nguyễn Phước Miên Tông), Tự Đức (Nguyễn Phước Thì) và các thân vương như Miên Thẩm (Tùng Thiện Vương), Miên Trinh (Tuy Lý Vương)…
Tóm lại, nói đến cội nguồn Nho giáo ở Việt Nam là đề cập đến một vấn đề không đơn giản chút nào. Theo quan điểm lịch đại, còn phải kể đến sự đấu tranh dai dẳng hàng mấy chục thế kỷ giữa văn hoá bản địa và văn hoá ngoại lai, theo quan điểm đồng đại thì sự bùng nổ từng thời vừa phụ thuộc khuynh hướng các triều đại bản địa vừa phụ thuộc quan hệ giao lưu của từng triều đại với Trung Quốc. Tuy khuynh hướng Nho giáo nổi bật ở hai triều hậu Lê và Nguyễn là Tống Nho nhưng hầu như Nho học Việt Nam thiên về những vấn đề thuộc hình nhi hạ mà ít bàn luận những vấn đề thuộc hình nhi thượng, bởi vậy chữ hiếu, chữ nghĩa, chữ hoà ở Việt Nam tuy có gốc gác Nho giáo Trung Hoa nhưng lại mang sắc thái Việt Nam không lẫn với ai.
II. HỒ CHÍ MINH ĐƯỢC VÀO LUYỆN TRONG NHO GIÁO VIỆT NAM TRƯỚC KHI TIẾP XÚC VỚI VĂN HOÁ ÂU TÂY VÀ VĂN HOÁ XÔ VIẾT:
Năm 1923, trong lý lịch tự khai khi đến Liên Xô, Nguyễn Aùi Quốc (sau 1941 về nước lãnh đạo Cách mạng giải phóng dân tộc mới đổi tên Hồ Chí Minh) tự giới thiệu: “Tôi xuất thân từ một gia đình nhà Nho, nơi mà các thanh niên đều theo học đạo Khổng”. Rồi tại Đại hội Quốc tế cộng sản năm 1935, Nguyễn Aùi Quốc lại ghi trong lý lịch: “Thành phần gia đình nhà nho”.
Qủa vậy, gia đình Hồ Chí Minh là một gia đình Nho học. Thân sinh, cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ phó bảng trong kỳ thi Hội năm 1901. Đương thời, người đỗ đạt có thể làm quan cai trị cả một vùng, nhưng giàu lòng nhân ái, lại năng nợ non sông, cụ từ quan đi làm thuốc chữa bệnh cho dân nghèo và dạy chữ nho. Huyện Nam Đàn quê hương Hồ Chí Minh, nổi tiếng là nghèo mà ham học. Ở đó ai cũng biết câu nói: Có chí làm quan, có gan làm giàu. Như vậy làm giàu là một sự liều lĩnh trái với lương tâm. Làm quan thì phải kiên trì học hành, dùi mài kinh sử, nghèo mà vinh quang. Cả huyện Nam Đàn đâu đâu cũng có những người đỗ đạt, nhưng không làm quan hoặc làm quan mà thanh liêm vì dân. Phan Bội Châu là một ví dụ. Đặng Nguyên Cẩn thân sinh học giả Đặng Thai Mai ở huyện Thanh Chương kề bên cũng là một ví dụ.
Cần nói rõ là cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, khi mà thực dân Pháp ra sức đàn áp mọi sự chống đối để áp đặt nền thống trị của chúng thì ở Việt Nam vẫn có hai hạng nhà nho. Một bên gồm các kẻ sĩ “trọng nhân”, “trọng dân” được coi là “chân nho” như Nguyễn Hữu Huân, Phan Đình Phùng, Trần Quý Cáp… bị thực dân chặt đầu, đào mồ. Một bên nữa cũng là nhà nho nhưng là “ngụy nho”, hay nói như các nhà nghiên cứu Trung Quốc là “dương nho, âm Pháp”. Họ cũng nói nhân nghĩa nhưng quyền mưu cơ biến, móc ngoặc với bọn thực dân để bán nước hại dân, đục nước béo cò, như Nguyễn Thân đào mồ Phan Đình Phùng, đốt xác bắn ra biển. Hay như Phạm Ngọc Quát chặt đầu Trần Quý Cáp để được thưởng công.
Vùng Nghệ An Hà Tĩnh là vùng nổi tiếng Nho học – trước khi nổi tiếng là vùng Cách mạng Cộng sản Hồ Chí Minh tự giới thiệu gia đình mình theo đạo Nho, các thanh niên đều học đạo Nho là chỉ “chân nho”, “chính nho” trái ngược với “ngụy nho”, “tà nho”.
Nguyễn Sinh Công (tên hồi nhỏ của Hồ Chí Minh) và người anh Nguyễn Sinh Khiêm đã được cha dạy vỡ lòng chữ Hán. Nhập môn là sách Tam thiên tự, sau đó là Tam tự kinh mà các thế hệ Việt Nam đầu lấy làm sách vỡ lòng.
Năm tuổi (1895) Nguyễn Sinh Công theo cha vào sống ở Huế. Người anh được đổi tên là Nguyễn Tấn Đạt và em là Nguyễn Tất Thành để đến trường (tên để đi học gọi là tên chữ – tự). Sáu năm sau, năm 1901 mẹ mất, Tất Thành về sống ở quê ngoại. Sau đó 3 năm (1904) lại vào Huế lần thứ 2 và học trường tiểu học Đông Ba hai năm, rồi thi đỗ vào trường Quốc học Huế. Hai năm sau vì tham gia cuộc đấu tranh chống thuế mà bị đuổi học. Người đi vào phía Nam vào dạy ở trường Dục Thanh (Phan Thiết) một năm rồi vào Sài Gòn xin học ở trường công nhân hàng hải Ba Son để tìm cách đi sang châu Aâu tìm hiểu thế giới. Tại đây Người gặp ông chủ tàu Latouche Tréville rồi xin làm bồi bàn trên tàu. Ngày 5 tháng 6 năm 1911, Người theo tàu rời bến Nhà Rồng – Sài Gòn bắt đầu cuộc sống Tây du 30 năm, qua hơn 10 nước, để đến 1941 trở về Cao Bằng phát động cuộc Cách mạng giải phóng dân tộc (4).
Nhắc qua vàinét tiểu sử Hồ Chí Minh để khẳng định một điều: Người xuất thân từ nhà Nho. Sự giáo dục vỡ lòng tuổi thơ là giáo dục nho học. Đó chính là sự dạy dỗ của nhà nho Nguyễn Sinh Sắc, của môi trường Quốc học ở cố đô Huế cũng như trường Hán học Dục Thanh ở Phan Thiết. Sau này, Người tiếp thu văn hoá Aâu Mỹ, văn hoá Nga xô viết và cũng rất thành đạt. Chứng cớ là các truyện ký viết bằng tiếng Pháp của Người được nhà văn Pháp Vaillant Coutourier thừa nhận. Người viết báo bằng tiếng Nga, coi nhân văn vĩ đại Léon Tolstoi là thầy và bắt chước ông viết một số truyện ngắn. Mặc dù vậy, chữ Hán và Nho học là nét vẽ đầu tiên trên tâm hồn trẻ thơ của Người.
Đương nhiên, chữ Hán và Nho học nói ở đây đã được tiếp biến qua sự sàng lọc của tâm thức văn hoá Việt Nam. Bởi vì, nói như Phạm Văn Đồng: 1000 năm Bắc thuộc, Việt Nam đã tiếp biến văn hoá Trung Hoa mà chủ yếu là chữ Hán và Nho giáo. Từ chữ Hán, Việt Nam đã sáng tạo ra chữ Nôm và từ Nho giáo sáng tạo ra Nho học Việt Nam (5).
Trong báo cáo khoa học : Hồ Chí Minh với văn hoá Trung Quốc đọc tại hội thảo quốc tế Hồ Chí Minh anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới năm 1990, tôi có nhận định: Hồ Chí Minh chỉ tiếp thu Nho giáo nguyên thuỷ (tức Khổng Mạnh) mà ít nói đến Hán Nho, Tống Nho, và trong 4 vế tư tưởng chính trị – đạo đức của Khổng Mạnh là Tu thân, Tề gia, Trị quốc, Bình thiên hạ, người chỉ nhấn mạnh vế thứ nhất là Tu thân.
Điều này càng được khẳng định vì qua sự nghiên cứu ảnh hưởng của Nho giáo đối với đời sống văn hoá, tôi thấy Nho giáo nguyên thuỷ mang nhiều yếu tố nhân văn và dân chủ nhất. Đồng thời, cũng có thể xem Nho giáo nguyên thuỷ như một thứ lý thuyết về luân lý của phương Đông, răn dạy con người sống đúng đạo, có trách nhiệm. Đó là những tín hiệu rất gần gũi với văn hoá bải địa Việt Nam. Nếu đạo gốc của người Việt cổ là đạo thờ cúng tổ tiên thì chữ Trung chữ Hiếu của Khổng Tử đã đáp ứng yêu cầu tâm linh đó.
Trước công nguyên – nghĩa là trước khi Nho học vào Việt Nam, tư tưởng của người Việt bản địa là gì? Đó là vấn đề nghiên cứu và trước hết cần nhiều cứ liệu văn vật, văn hiến và cả sự sưu tầm ca dao dân ca cổ mà hiện nay vẫn rất sơ sài.
Mặc dù vậy, có phần chắc là trước khi tiếp biến đạo Nho thì tôn giáo của người Việt là Bàlamôn giáo và Phật giáo nguyên thuỷ. Người Việt sống gần gũi với thiên nhiên, sùng bái thần núi và thần nước. Trong bối cảnh đó, những giào điều có định hướng chính trị rõ rệt của Hán Nho hầu như là một sự ràng buộc. Bởi vậy nó chỉ tồn tại ở tầng lớp trên, ở nhà quan, còn với dân chúng lớp dưới thì tồn tại một dòng nước ngược. Bên cạnh câu hát “Con vua thì lại làm vua, Con sãi ở chùa thí quét lá đa”, còn có câu hát “Bao giờ dân nổi can qua, con vua thất thế lại ra quét chùa”. Bên cạnh tam tòng thì có câu ca dao “Con ơi, mẹ muốn lấy chồng”.
Người Việt chỉ tiếp nhận những giáo lý thích hợp với truyền thống của mình để làm giàu có thêm nền văn hoá của mình. Đó là một nét đặc sắc của lịch sử văn hoá dân tộc. Những giáo lý về phẩm chất người quân tử, trượng phu, hào kiệt, những chuẩn tắc đạo đức trong quan hệ giữa người với người mà các ông đồ nho dạy cho học trò là phù hợp với đạo lý vốn có của người Việt. Sự tiếp biến các giáo lý đó đã tạo nên một nền Nho học Việt Nam, có cội nguồn Nho giáo Trung Quốc nhưng lại mang sắc thái Việt Nam. Tuổi thơ của Nguyễn Tất Thành, những năm tháng ở trường Dục Thanh đã để lại dấu ấn sâu sắc trong tâm hồn “người yêu nước” Nguyễn Ái Quốc.
III. NHỮNG LỜI DẠY CỦA NGƯỜI CÓ CỘI NGUỒN NHO GIÁO VIỆT NAM
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dùng những từ ngữ, những mệnh đề của Khổng Mạnh vốn rất thân thuộc với truyền thống văn hoá Đại Việt để thức tỉnh dân tộc, truyền cho nhân dân ý thức tự cường để đứng lên làm chủ đất nước.
Trước hết, Người hay nhắc đến thế giới Đại đồng với thuộc tính cơ bản của nó là Tứ hải giai huynh đệ. Chúng ta đầu biết Đại đồng là một nội dung quan trọng trong tư tưởng chính trị, tư tưởng đạo đức và tư tưởng giáo dục.
Tư tưởng chính trị của Khổng Tử trước hết được thể hiện ở lý tưởng về một thế giới Đại đồng. Tư tưởng này được nói rõ trong thiên Lễ vận thuộc Kinh lễ. “Đạo đức lớn được thực hành thì thiên hạ là của chung. Kén chọn kẻ có tài đức ra làm việc. Giảng giải điều tín nghĩa, sửa trị điều hoà mục. Cho nên mọi người không riêng thân cha mẹ mình, không riêng yêu con cái mình, khiến người già cả có chỗ sử dụng năng lực, các thiếu niên được nuôi dạy khôn lớn. Thương người goá bụa, thương kẻ mồ côi và những người già không nơi nương tựa. Người tàn tật phải có chỗ nuôi dưỡng, con trai đều có nghề nghiệp, con gái đều có chồng con. Như vậy thì của cải vứt bỏ dưới đất cũng không ai nhặt mà cũng không cần thiết phải cất giữ cho riêng mình. Còn về năng lực thì e không có cách gì để thi thố mà không cần phải giữ làm của riêng. Do đó mọi âm mưu đều bị mai một mà không thể xảy ra, mọi hành vi trộm cắp, gây rối, giặc cướp đều không thể nổi dậy, cửa ngõ không cần đóng. Như thế gọi là “Đại đồng”.
Trong bài Le Grand Confucius (Đức Khổng Tử vĩ đại) đăng trên tạp chí Communise số ra ngày 15/05/1921 Nguyễn Aùi Quốc (khi đó mới 31 tuổi) đã giới thiệu thuyết Đại đồng như sau:
“Đức Khổng Tử vĩ đại (năm 551 trước Công nguyên) khởi xướng nền đại đồng và thuyết giáo quyền bình đẳng về của cải. Người nói tóm lại là: Nền hoà bình trên thế giới chỉ nảy nở từ nền Đại đồng trong thiên hạ. Người ta không sợ thiếu mà chỉ sợ không công bằng” (6).
Có thể thấy Khổng Tử hướng tới một xã hội lý tưởng, thiên hạ như gia đình, mọi người coi nhau như anh em một nhà, cùng hưởng thụ các quyền lợi cùng có trách nhiệm với nhau. Trong những ngôn từ rải rác đó đây, Khổng Tử quan niệm thời xa xưa đã tồn tại một xã hội như vậy, nhưng do lễ nhạc nhà Chu suy vi, nên xã hội ngày một xấu đi. Oâng chủ trương khôi phục lễ nhạc nhà Chu để xây dựng một thế giới Đại đồng. Lý tưởng chính trị đó của ông được một nhà tư tưởng cận đại là Khang Hữu Vi thuyết giải trong sách Đại đồng thư. Người Việt Nam, nhấ là đầu thế kỷ, thường nói đến thế giới Đại đồng chính là qua sách vở Tân thư của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu.
Tất nhiên, Đại đồng là gì cũng không ai giải thích được rõ ràng, có điều nó gắn với thuộc tính “Tứ hải giai huynh đệ” là một cách sống rất gần gũi với nhân sinh quan người Việt cổ thể hiện qua câu ca dao có từ thời Hai Bà Trưng:
“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng”
Hồ Chí Minh khi đã trở thành lãnh tụ dân tộc rất thích câu ca dao này. Có thể đi ngược lên trên một thời gian, vào khoảng 1940-1945 chính người đã dịch lời bài ca của Quốc tế cộng sản và dùng từ Đại đồng để dịch từ Internationale.
Điều lý thú là năm 1965 khi đó chủ tịch Cộng hoà nhân dân Trung Hoa hồi đó là Lưu Thiếu Kỳ, Hồ Chủ Tịch đã đọc hai câu thơ:
“Quan sơn muôn dặm một nhà
Bốn phương vô sản đều là anh em.”
Rõ ràng, tư tưởng Tứ hải giai huynh đệ của Khổng Tử đã ăn sâu vào tiềm thức người Việt Nam với nội hàm mới: người vô sản khắp năm châu.
Từ tư tưởng chính trị Đại đồng. Khổng Tử đã đề cập đến tư tưởng công bằng xã hội. Oâng nói:
“Người cai quản quốc gia không lo thiếu của cải mà lo phân phối không đều, không lo nghèo đói mà lo lòng dân không yên. Đại phàm đều thì không nghèo, hoà thì không thiếu, yên thì không sợ nghiêng đổ” (Hữu quố gia giả, bất hoạn quả nhi hoạn bất quân, bất hoạn bần nhi hoạn bất an. Cái quân vô bần, hoà vô quả, an vô khuynh. Luận ngữ Quý thị).
Có thể thấy, tư tưởng công bằng của Khổng Tử đã đối mặt với sự phân chia giai cấp bắt đầu xuất hiện trong xã hội nô lệ nhưng nó đã đụng chạm đến vấn đề cơ bản của quy luật phát triển xã hội loài người. Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, ở miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chúng ta buộc phải thực hiện chế độ phân phối thời chiến, Bác Hồ đã từng nhắc nhở cán bộ:
“Không sợ thiếu chỉ sợ không công bằng, không sợ đói chỉ sợ lòng dân không yên”.
Năm 1946, chủ tịch Hồ Chí Minh sang Pháp đàm phán, nhân dân cả nước lo sợ bọn thực dân hiếu chiến tráo trở, lại lo sợ tình hình trong nước bất ổn. Hồ Chủ tịch đã chỉ định cụ Huỳnh Thúc Kháng, vốn là một vị túc nho vừa được Người mời ra gánh vác việc nước, thay mặt Người giải quyết mọi công việc. Tiễn đưa ở sân bay Gia Lâm, cụ Huỳnh Thúc Kháng xin Hồ Chủ tịch một lời khuyên. Hồ Chủ tịch nói ngắn gọn: “Dĩ bất biến ứng vạn biến>” (Lấy sự không thay đổi để đối phó với mọi cái thay đổi). Đó là một mệnh đề trong Kinh Dịch, hơn thế đó còn là tinh tuý của Kinh Dịch, nói cụ thể hơn là tinh tuý của triết học nhân sinh trong Kinh Dịch. Chúng ta biết ngoài phần triết học tự nhiên với mệnh đề nổi tiếng “Thái cực lưỡng nghi, lưỡng nghi sinh tứ tượng, tứ tượng sinh bát quái, bát quái sinh vạn vật”, Kinh Dịch còn có phần triết học nhân sinh trong đó nổi bậc lên những yêu cầu đối với người quân tử mà hai mệnh đề nổit tiếng nhất là:
“Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức
Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật.”
(Trời vận hành khoẻ khoắn, người quân tử cần theo gương trời mà tự cường không nghỉ. Đất đai rộng rãi, người quân tử nên theo gương đất mà lấy đức dày chở muôn vật)
Như vậy tinh thần cơ bản của phần triết học nhân sinh của Kinh Dịch là vận hành biến dịch, tự cường, không vì bất trắc mà lùi bước, lấy lòng khoan dung để giúp đỡ mọi người cùng tiến lên với mình. Lời dặn ứng khẩu của chủ tịch Hồ Chí Minh với vị túc nho Huỳnh Thúc Kháng chứng tỏ mức độ nghiên cứu uyên thâm Kinh Dịch của Người.
Cũng trong những ngày gian nan trắc trở đó của cách mạng, khi một nữ sĩ (bà Hằng Phương) tặng gói cam, Người làm bài thơ cảm tạ như sau:
“Cám ơn bà biếu gói cam
Nhận thì không đúng, từ làm sao đây
Aên quả nhớ kẻ trồng cây
Phải chăng khổ tận đến ngày cam lai.” (7)
Khổ tận cam lai chính là mệnh đề phát sinh từ nguyên lý bỉ cực thái lai của Kinh Dịch.
Nhưng có lẽ các mệnh đề sau đây của Nho giáo được chủ tịch Hồ Chí Minh sử dụng phổ biến hơn. Trước hết đó là Trung và Hiếu. Lời dạy của Người: “Trung với nước, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng” đã trở thành phương châm hành động của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Tinh thần quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân trong hai cuộc kháng chiếng chống Pháp và chống Mỹ xâm lược chính bắt nguồn từ động lực Trung với nước, Hiếu với dân trong lời dạy của Người. Cội nguồn của Trung và Hiếu nằm trong sách vở kinh điển Nho gia:
“Quân sử thần dĩ lễ; thần sự quân dĩ trung”
(Thiên Bát dật, sách Luận ngữ)
(Nghĩa là vua sai khiến bề tôi bằng lễ bề tôi phụng vua nằng trung)
“Hiếu sự thân; thân dĩ thính mệnh”
(Thiên Tế nghĩa, sách Lễ ký)
(Nghĩa là Hiếu để thờ phụng song thân (cha mẹ); thuận để vâng lời người trên)
Theo Luận ngữ trong xã hội có giữ quan hệ trung, hiếu thì mới ổn định “vua ra vua, tôi ra tôi, cha ra cha, con ra con” (Quân quân, thần thần, phụ phụ, tử tử) Luận ngữ thiên Nhan Uyên.
Đương nhiên, trung hiếu là đầu mối của kỷ cương. Nhưng nếu trung và hiếu theo một hàm nghĩa cực đoan theo kiểu “Quân sử thần tử, thần tắc tử” (Vua bảo bề tôi chết thì bầy tôi phải chết) hay “Trung thần bất sự nhị nhân” (tôi trung không thờ hai chủ) thì có lúc, chữ trung chữ hiếu trở thành sợi dây trói buộc con người, làm cho con người mất hết tỉnh táo, thiếu đi sự cân nhắc, phán xét cần thiết trước thời cuộc luôn biến động.
Trong lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam không hiếm trường hợp chết vì “ngu trung”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh hiểu rõ lòng trung hiếu của nhân dân Việt Nam và Người đã phát biểu hàm nghĩa trung hiếu cũ, thích ứng với hoàn cảnh mới, phú cho nó một ý nghĩa rộng rãi hơn: trung với Tổ quốc, hiếu với nhân dân. Những năm sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, cả dân tộc Việt Nam, triệu người như một đặt hy vọng và niềm tin vào Hồ Chí Minh, trìu mến gọi Người là Cha già dân tộc, có không ít người dân theo tập quán cũ coi Người là vua của nước Việt Nam mới. Sự xác định nội hàm trung với nước, hiếu với dân không chỉ tiếp nối được truyền thống cũ mà còn thể hiện đức độ của lãnh tụ.
Cũng như vậy, không chỉ một lân Người nhắc đến mệnh đề: Phú quý bất năng dâm, bất tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất (giàu sang không làm cho hư hỏng, nghèo hèn không làm thay đổi ý chí, quyền uy và vũ lực không khuất phục nổi) của Mạnh Tử và dùng nó để nói về phẩm chất cần có của người cách mạng.
Trích một đoạn sau đây trong cuốn Sửa đổi lề lối làm việc, một cuốn sách dạy cán bộ đạo đức cách mạng và phương pháp khoa học, ký tên X-Y-Z.
“Người Đảng viên, người cán bộ muốn trở nên người cách mạng chân chính không có gì là khó cả. Điều đó là hoàn toàn do lòng mình mà ra. Lòng mình chỉ biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì mình sẽ tiến đến chí công vô tư. Mình đã chí công vô tư thì khuyết điểm càng ngày càng ít, mà những đức tính tốt như sau này càng thêm:
Nói tóm tắt, tính tốt ấy gồm 5 điều: Nhân, Nghĩa, Trí, Dũng, Liêm.
Nhân là thật thà thương yêu, hết lòng giúp đỡ đồng chí và đồng bào. Vì thế mà kiên quyết chống lại những người, những việc có hại đến Đảng, đến nhân dân. Vì thế mà sẳn sàng chịu cực khổ trước mọi người, hưởng hạnh phúc sau thiên hạ, vì thế mà không hám giàu sang, không e cực khổ, không sợ oai quyền.
Những người đã không ham, không sợ gì thì việc gì phải làm họ đều làm được.
Nghĩa là ngay thẳng không có tư tâm, không làm việc bậy, không có gì phải giấu Đảng. Ngoài lợi ích của Đảng, không có lợi ích riêng phải toan. Lúc Đảng giao cho việc, thì bất kỳ to nhỏ đều ra sức làm cẩn thận. Thấy việc phải thì làm, thấy việc phải nói thì nói, không sợ người ta phê bình, mà phê bình người khác cũng luôn luôn đứng đắn.
Trí vì không có việc tư túi nó làm mù quáng, cho nên đầu óc trong sạch, sáng suốt. Dễ hiểu lý luận. Dễ tìm phương hướng. Biết xem người, biết xem việc. Vì vậy, mà biết việc làm có lợi, tránh việc có hại cho Đảng mà cân nhắc người tốt, đề phòng người gian.
Dũng là dũng cảm, gan góc, gặp việc phải làm thì có gan làm. Thấy khuyết điểm có gan sửa chữa. Có gan chống lại những sự vinh hoa phú quý không chính đáng. Nếu cần thì có gan hy sinh cả tính mệnh cho Đảng, cho Tổ quốc, không bao giờ rụt rè, nhút nhát.
Liêm là không tham địa vị, không ham tiền tài, không tham sung sướng. Không ham người tâng bốc mình. Vì vậy mà quang minh chính đại, không bao giờ hủ hoá. Chỉ có một thứ ham là ham học, ham làm, ham tiến bộ.
Đó là đạo đức cách mạng. Đạo đức đó là không phải là đạo đức thủ cựu. Nó là đạo đức mới, đạo đức vĩ đại, nó không phải vì danh vọng cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đàng của dân tộc, của loài người.
Cũng như sông thì phải có nguồn thì mới có nước, không có nguồn thì sông cạn. Cây phải có gốc, không có gốc thì cây héo. Người cách mạng phải có đạo đức, không có đạo đức thì dù tài giỏi mấy cũng không lãnh đạo được nhân dân. Vì muốn giải phóng cho dân tộc, giải phóng cho loài người là một công việc to tát, mà tự mình không có đạo đức, không căn bản, tự mình đã làm hủ hoá, xấu xa thì còn làm nổi việc gì?
(Trích từ Hồ Chí Minh toàn tập tập 3)
Có thể đồng ý với học giả Nguyễn Khắc Viện: Những văn kiện như thế có thể in vao một tuyển tập đạo đức chính trị Nho giáo mà không thấy lạc lõng.(8)
Đương nhiên, trong quá trình 30 năm bôn ba bốn biển năm châu để tìm đường cứu nước, để tránh được thất bại của các nhà nho yêu nước như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Hồ Chí Minh đã tiếp biến nhiều tư tưởng hiện đại để làm phong phú thêm hành trang văn hoá của mình. Người từng nói:
“Học thuyết của Khổng Tử có ưu điểm của nó là sự tu dưỡng đạo đức cá nhân.
Tôn giáo Giêsu có ưu điểm của nó là lòng nhân ái cao cả.
Chủ nghĩa Max có ưu điểm của nó là phương pháp biện chứng.
Chủ nghĩa Tôn Dật Tiên có ưu điểmm của nó là chính sách của nó thích hợp với điều kiện của nước ta…
Khổng Tử, Giêsu, Các Mác, Tôn Dật Tiên chẳng phải có những điểm chung đó sao? Họ đều muốn mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại, mưu cầu hạnh phúc cho xã hội. Nếu hôm nay, họ còn sống trên đời này, nếu họ ở một chỗ, tôi tin rằng họ nhất định chung sống với nhau rất tốt đẹp như những người bạn thân thiết.
Tôi cố gắng làm người học trò nhỏ của họ.”
GS. Lương Duy Thứ
(hochiminhhoc.com)
———————————–
(1) Xin xem kỷ yếu Hội thảo Quốc tế “Hồ Chí Minh- anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hoá” do UBKHXH và NXB KH XH xuất bản. Hà Nội 1990, Trang 355-360. Các bản tiếng Anh, Pháp, Nga đều có tuyển chọn (LDT).
(2) Văn hoá và đổi mới. NXB Chính trị Quốc gia. 1995.
(3) Lịch sử và tương lai của khu vực văn hoá chữ Hán: Đại tu quá thư điếm, Tokyo 1992. Tiếng Hán.
(4) Tất cả các con số và sự kiện ở trên đây đều lấy từ, Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 1.Nxb S.T. Hà Nội.
(5) Xem: Văn hoá và Đổi mới- Sdđ.
(6) Xem: Vũ Kỳ: Bác Hồ viết di chúc – Sự thật, Hà Nội, 1989.
(7) Theo Vũ Ngọc Phan (chồng bà Hằng Phương). Văn nghệ số 2,3/ 1985.
(8) Bàn về đạo Nho: Nxb Trẻ 1998, Trang 64.
(9) Hồ Chí Minh truyện. Trương Niệm Thức dịch. Lam Liên Thượng Hải tháng 6. 1949, trang 91.