Chủ tịch Hồ Chí Minh – anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới đã để lại nhiều tư tưởng có giá trị to lớn đến ngày nay, trong đó có tư tưởng về độc lập dân tộc. Độc lập dân tộc một giá trị thiêng liêng, được bảo vệ và giữ gìn bởi máu xương, sức lực của rất nhiều thế hệ người Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là nguồn động viên đối với các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc gồm một số nội dung sau:
Độc lập dân tộc phải gắn liền tự do, cơm no, áo ấm và hạnh phúc của Nhân dân. trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh, Người luôn coi độc lập gắn liền với tự do, cơm no, áo ấm cho Nhân dân, như Người từng bộc bạch đầy tâm huyết: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”[3].
Độc lập dân tộc phải là nền độc lập thật sự, hoàn toàn và triệt để. theo Hồ Chí Minh, độc lập dân tộc phải là độc lập thật sự, hoàn toàn và triệt để trên tất cả các lĩnh vực. Người nhấn mạnh: Độc lập mà người dân không có quyền tự quyết về ngoại giao, không có quân đội riêng, không có nền tài chính riêng…, thì độc lập đó chẳng có ý nghĩa gì[4]. Trên tinh thần đó và trong hoàn cảnh đất nước ta sau Cách mạng Tháng Tám còn gặp nhiều khó khăn, nhất là nạn thù trong giặc ngoài bao vây tứ phía, để bảo vệ nền độc lập mới giành được, Người đã thay mặt Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng nhiều biện pháp, trong đó có biện pháp ngoại giao, để đảm bảo nền độc lập thực sự của đất nước.
Độc lập dân tộc gắn liền với thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ. trong lịch sử đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân tộc ta luôn đứng trước âm mưu chia cắt đất nước của kẻ thù. Tháng 02/1958, Người khẳng định: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”[5]. Trong Di chúc, Người cũng đã thể hiện niềm tin tuyệt đối vào sự thắng lợi của cách mạng, sự thống nhất nước nhà: “Dù khó khăn gian khổ đến mấy, Nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà”[6]. Có thể khẳng định rằng: Tư tưởng độc lập dân tộc gắn với thống nhất Tổ quốc, toàn vẹn lãnh thổ là tư tưởng xuyên suốt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Hồ Chí Minh.
Hiện nay, nước ta đang sống trong thời kỳ hòa bình nhưng tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc vẫn giữ nguyên giá trị to lớn. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì nội dung của độc lập dân tộc được thể hiện là xây dựng được nền kinh tế độc lập, tự chủ, không phụ thuộc vào quốc gia khác; đảm bảo được cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân; giữ vững được lãnh thổ và chủ quyền biển đảo của quốc gia; chống lại các thế lực thù địch, phá tan các âm mưu chia rẽ của chúng… Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhân dân Việt Nam thu được nhiều thành tựu vĩ đại trong cách mạng dân tộc dân chủ Nhân dân, trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và trong sự nghiệp đổi mới.
Như vậy, tư tưởng Hồ Chí Minh về độc lập dân tộc vẫn giữ nguyên giá trị đến ngày nay và cả mai sau. Mỗi cấp, ngành và địa phương, mọi lực lượng và Nhân dân cả nước nói chung cần tin tưởng tuyệt đối vào mục tiêu độc lập dân tộc, nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động ứng phó có hiệu quả với mọi tình huống, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr 201 .
[2]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.3.
[3]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.187.
[4]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.5, tr.602.
[5]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.4, tr.583.
[6]. Hồ Chí Minh: Toàn tập, NxbChính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, t.15, tr.612.