Sự ra đời của các Đảng cộng sản ở các nước là sự kết hợp giữa sự phát triển nền tảng chủ nghĩa Mác với phong trào công nhân trên thế giới. Xuất phát từ thực trạng của một xã hội nông nghiệp truyền thống phương Đông, lại đang là nước thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam cần sáng tạo vận dụng lý luận của học thuyết Mác. Chính điều này đã tạo nên sự vĩ đại cho Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời thể hiện tư tưởng sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh và khả năng vận dụng tư tưởng của Người cho tới tận ngày nay và mãi sau này.
Học thuyết Mác- Lênin là một học thuyết khoa học, cách mạng, có tính nhân văn, nhân bản sâu sắc. Trong học thuyết này, các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác đã chủ trương đưa giai cấp công nhân bước lên vũ đài chính trị để xoá bỏ mọi áp bức bất công, xây dựng một xã hội tiến bộ mới, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản. Khi đánh giá học thuyết của C. Mác, V.I.Lênin đã khẳng định: “Học thuyết Mác là một học thuyết vạn năng vì nó là một học thuyết chính xác. Nó là học thuyết hoàn bị và chặt chẽ…” [1]. Đồng thời, ông cũng cho rằng “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm… Vì lý luận này chỉ đề ra những nguyên lý chỉ đạo chung, còn áp dụng những nguyên lý ấy thì, xét riêng từng nơi…” [2]. Quán triệt sâu sắc lời chỉ dẫn của Lênin, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều sáng tạo độc đáo trong vận dụng lý luận Chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện của nước ta.
Lý luận của việc kết hợp nhân tố dân tộc và nhân tố giai cấp để thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Nhân tố dân tộc là chủ nghĩa dân tộc và phong trào yêu nước; nhân tố giai cấp là chủ nghĩa Mác-Lênin và phong trào công nhân. Trong điều kiện giai cấp công nhân Việt Nam chưa phát triển về số lượng, phong trào công nhân chưa đủ lớn mạnh để tổ chức thành lập Đảng Cộng sản mà “chủ nghĩa dân tộc là động lực lớn của đất nước”, Người đặc biệt coi trọng việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin vào phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam. Hai phong trào này “hấp thụ” mạnh mẽ Chủ nghĩa Mác-Lênin tạo nên sự thay đổi lớn về chất, trở thành hành động cách mạng của các giai cấp, tầng lớp trong dân tộc Việt Nam.
Yêu nước trong thực tiễn cần dựa trên cơ sở lý luận; Yêu nước là một truyền thống quý báu, là “sợi chỉ đỏ”, là “mẫu số chung” và là “hằng số phát triển”, có vai trò cực kỳ to lớn trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Muốn cứu nước, giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản, phải theo chủ nghĩa Mác – Lênin và “Trước hết phải có Đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”.
Từ năm 1848, C. Mác và Ph. Ăng-ghen, trong tác phẩm “Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản” đã khẳng định: “Giai cấp vô sản ở mỗi nước khi tiến hành cuộc đấu tranh để “tự giải phóng” giai cấp mình khỏi sự áp bức, nô dịch của chủ nghĩa tư bản, trước hết phải giành lấy chính quyền, tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, tự mình trở thành dân tộc, nghĩa là phải lãnh đạo, trở thành lực lượng lãnh đạo của cả phong trào cách mạng của Nhân dân lao động và của cả dân tộc” [3]. Đối tượng để lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin không chỉ là giai cấp công nhân, phong trào công nhân, mà còn là phong trào yêu nước và tất cả những người yêu nước trong dân tộc Việt Nam. Điều đó tạo nên làn sóng cách mạng dân tộc, dân chủ mạnh mẽ, tạo tiền đề và điều kiện chín muồi cho sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 03/02/ 1930.
Trong suốt 93 năm qua, Đảng đã lãnh đạo Nhân dân ta liên tục đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là thắng lợi của đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền và làm lên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945; là thắng lợi của hai cuộc kháng chiến trường kỳ, giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng phát triển; chính trị, xã hội ổn định, độc lập, chủ quyền được giữ vững; vị thế và uy tín của đất nước ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.
Giờ đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân tộc Việt Nam đang cùng chung khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc, để đến năm 2045, khi đất nước kỷ niệm 100 năm ngày thành lập, Việt Nam sẽ trở thành nước phát triển, thu nhập cao
Những sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ở một nước thuộc địa đã được thực tế cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới kiểm chứng là đúng đắn và khoa học. Đây không chỉ là giá trị đặc biệt đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta mà còn là sự cống hiến quan trọng của Người vào kho tàng lý luận Mác-Lênin. Sự sáng tạo ấy – kết hợp nhân tố dân tộc và nhân tố giai cấp chính là sức mạnh to lớn, để Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, phát triển vững mạnh.
1. V.I.Lênin: Toàn tập, Nxb Tiến bộ Mat-xcơ-va.1980. t23, tr. 50
2. V.I.Lênin: Toàntập, NxbTiếnbộ Mat-xcơ-va.1980. t.4, tr. 232
3. C. Mácvà Ph. Ăng-ghen: Toàntập, Nxb. Chínhtrịquốcgia – Sự thật, HàNội, 1995, t. 4, tr. 624)
Đỗ Hồng Thanh