1. Bác Hồ từng nói: Không cốt cứ là đảng viên, vấn đề là có tư tưởng yêu nước thương dân, có nhiệt tình cách mạng, có phương pháp làm việc đúng, công tác tích cực thì sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ…
Từ một “ông nghè Tây”, GS.TS Nguyễn Văn Huyên rời bỏ cuộc sống đầy đủ dưới chế độ thực dân phong kiến để đi kháng chiến rồi trở thành bộ trưởng có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà.
Năm 1926, ông cùng người em trai Nguyễn Văn Hưởng (bên trái) sang Pháp học. Ông học đại học Văn chương ở Montpellier, sau đó lên Paris học Luật và làm luận án tiến sĩ ở Sorbonne. Những dịp nghỉ hè, nghỉ lễ, cuối tuần, ông thường cùng bạn bè về các vùng quê của Pháp, du ngoạn khám phá châu Âu. Những chuyến đi đã giúp ông hiểu biết nhiều hơn về con người và văn hóa của nhiều vùng đất khác nhau.
Ban đầu, ông dự định làm luận án về quan hệ Pháp – Đông Dương thời kỳ 1800 – 1880 nhưng không được phép tra cứu lưu trữ của Bộ Thuộc địa về giai đoạn này. Ông tìm đến lĩnh vực mới là dân tộc học. Luận án Hát đối đáp của nam nữ thanh niên ở Việt Nam bảo vệ thành công năm 1934. Ông trở thành tiến sĩ văn chương người Việt Nam đầu tiên của Đại học Paris. Song song với ngôn ngữ và nghiên cứu, ông còn là giảng viên trường Ngôn ngữ phương Đông vào năm 1931 – 1935.
Năm 1935, ông trở về nước. Với học vấn và học vị cao bậc nhất lúc đó, ông khước từ lời mời làm quan và những hứa hẹn của chính quyền thực dân mà chỉ chọn nghề dạy học. Ông trở thành giáo sư Sử – Địa trường Trung học Bảo hộ, tức trường Bưởi (nay là trường Chu Văn An, Hà Nội) cùng với nhiều nhà giáo như Nguyễn Mạnh Tường (tiến sĩ Văn chương và Luật), Hoàng Xuân Hãn (thạc sĩ Toán), Nguyễn Xiển (kỹ sư), Ngụy Như Kon Tum (thạc sĩ Lý-Hóa), một thế hệ những nhân vật nổi tiếng được đào tạo ở Pháp. Các ông không chỉ truyền đạt kiến thức mà truyền cả niềm đam mê khoa học, niềm tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước cho các thế hệ học sinh trường Bưởi. Ở trường, giáo viên người bản xứ không được đối xử bình đẳng nên ông thôi dạy, chuyển sang nghiên cứu với tư cách là biệt phái viên ở trường Viễn Đông Bác Cổ vào năm 1938.
Trước sự tin cậy và dặn dò của Hồ Chủ tịch “Chú phải chia bớt chữ cho nhân dân”, ông nhận nhiệm vụ tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa I ngày 3/11/1946. Ông giữ cương vị “tư lệnh ngành” trong suốt 29 năm cho đến khi qua đời vào năm 1975.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên (bên phải) và bác sĩ Hồ Đắc Di – hiệu trưởng đầu tiên của ĐH Y Khoa tại Văn phòng Bộ Giáo dục đóng ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang) năm 1948. Đất nước vừa kháng chiến vừa lao động, học tập. Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên đã tổ chức và chủ trì nhiều hội nghị giáo dục với những nhà quản lý, trí thức và nhà giáo có uy tín để thảo luận và định ra nhiều chủ trương giáo dục phù hợp với thực tiễn kháng chiến.
Trong công tác, vì là trí thức không phải đảng viên cộng sản nên ông gặp nhiều trở ngại trên cương vị quản lý. Đã có lần ông Dương Xuân Nghiêm – khi đó là Vụ phó Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ – đã lặng cả người khi nghe ông chất vấn dồn dập: “Thế nào là Đảng đoàn? Đã có Bộ trưởng, Thứ trưởng tại sao lại cần có Đảng đoàn? Đảng đoàn bao gồm tất cả các Thứ trưởng là Đảng viên, thêm 1 hay 2 thành viên khác phụ trách các Vụ quan trọng. Thế thì Đảng đoàn bàn những việc gì? Tại sao tôi là Bộ trưởng mà lại không được biết những gì Đảng đoàn bàn và quyết định…?”.
Dẫu vậy, cũng không tránh khỏi lời “ì xèo” rằng: Phải là đảng viên mới có thể lãnh đạo được quần chúng. Ông đã rất trăn trở và đi đến quyết định… xin thôi giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giáo dục.
Lý lịch tự khai và đơn xin vào Đảng của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên
Năm 1960, khi đó tròn 30 năm thành lập Đảng Lao động VN, Đảng có chủ trương kết nạp “lớp đảng viên 6 tháng Giêng”, Đảng ủy Bộ Giáo dục muốn giới thiệu GS Huyên vào Đảng. Giữa lúc đất nước đang bị chia cắt thành 2 miền, công cuộc đấu tranh thống nhất còn khó khăn, trong một động thái cân nhắc thận trọng, Đảng ủy Bộ Giáo dục đem quyết định hỏi ý kiến Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị.
Trong một bữa trưa mời riêng Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, Bác Hồ thẳng thắn gợi ý: “Chú ở ngoài Đảng có lợi cho cách mạng hơn”. Quyết định của Cụ Hồ có ý nghĩa rất quan trọng. “Đất nước chia cắt hai miền, rất cần người trong Đảng, ngoài Đảng, các đảng phái khác cùng tham gia chính quyền để thành một mặt trận thống nhất, đoàn kết cả nước”. Ông Huyên rất xúc động, bởi không ai hiểu rõ tấm lòng ông hơn Hồ Chủ tịch: Dù ở cương vị nào, tổ chức nào cũng suốt đời làm việc vì lợi dân, ích nước. Suốt 30 năm giữ chức Bộ trưởng Bộ Giáo dục cho đến khi qua đời vào tháng 10/1975, ông liên tục là Đại biểu Quốc hội các khoá II- III- IV- V, là Uỷ viên Đoàn Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và ông cũng là một vị Bộ trưởng giữ chức vụ lâu nhất, đi cùng hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc cho đến ngày thắng lợi./
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, Bộ Chính trị đã ra nghị quyết 10 về việc quyết định không kết nạp một số trí thức cao cấp không thuộc đảng phái nào, để “ở ngoài có lợi hơn”.
Mang danh phận ở ngoài Đảng nhưng mọi sinh hoạt của Đảng, chi bộ, Đảng ủy Bộ, Đảng Đoàn, ông đều được mời tham dự. Đại hội Đảng toàn quốc ông là đại biểu mời. Có nghĩa ông chẳng khác nào đảng viên của Đảng, chỉ khác biệt không đóng đảng phí và tham gia biểu quyết. Chính do sự “bí ẩn” này, các con của ông dù đi bộ đội, phấn đấu đến năm 1972 mới có thể vào Đảng. (Nguyễn Kim Nữ Hạnh (1937-2010), nguyên kỹ sư thông tin của Tổng cục Đường sắt; Nguyễn Bích Hà, Phó giáo sư, Tiến sĩ hóa học, Hiệu trưởng Trường dân lập Nguyễn Văn Huyên (Hà Nội); Nguyễn Kim Nữ Hiếu, Đại tá, Phó giáo sư, Tiến sĩ y khoa, Thầy thuốc nhân dân, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Chồng bà là GS. TS Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng; Nguyễn Văn Huy, Giáo sư, Tiến sĩ, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam)
2. Thuật dùng người độc đáo của Bộ trưởng NGUYỄN VĂN HUYÊN
Trong phiếu gửi Bộ trưởng Nội vụ ngày 18/7/1950, ông ghi: “Dự nghị định bổ dụng và tạm xếp ngạch bác sỹ Đặng Văn Ngữ làm giáo sư Trường Đại học Y khoa. Để quý Bộ ý hiệp, chuyển Bộ Tài chính thỏa thuận rồi gửi bản Bộ. Bác sỹ Đặng Văn Ngữ trước khi đi Nhật đã làm tại Trường ĐH Y khoa từ năm 1937-1943 và phụ trách thêm phòng thí nghiệm Vi trùng học trường ấy”.
Công điện số 74 của Bộ Giáo dục gửi Liên khu 4 cũng ghi rõ: “Yêu cầu báo bà Đặng Văn Ngữ, ở trường chuyên khoa Châu Phong, Đức Thọ, Hà Tĩnh biết là bác sỹ Đặng Văn Ngữ bận công việc quan trọng không thể vào đón được. Rồi Chính phủ sẽ tổ chức đưa ra, không cần lo. Về sinh hoạt và tài chính sẽ có giải pháp. Cứ tin tưởng vào Chính phủ và các bạn ở Liên khu 4”.
Có hai điều quan trọng liên quan cách ứng xử với trí thức. Thứ nhất là đề nghị cấp tiền để GS Đặng Văn Ngữ mang đầy đủ phòng thí nghiệm đi cùng. Thứ hai là điện cho vợ ông Ngữ biết việc đưa chồng bà an toàn ra miền Bắc làm việc, đồng thời để bà yên tâm “không phải lo về kinh tế, mọi thứ Chính phủ lo”.
2.2. Với GS Đặng Thai Mai, Bộ trưởng cũng gửi công điện cho Bộ Tài chính xin tiền đưa ông từ Thanh Hóa lên Việt Bắc, trong đó có cả việc vận chuyển nguyên thư viện của GS Mai đi cùng cũng như lo kinh phí để thuê người đưa cụ ra vì đã có tuổi.
“Sau này con gái GS Đặng Thai Mai, chị Đặng Xuyến Như viết hồi ký kể lại lúc đi từ Thanh Hóa ra Tuyên Quang, gia đình cụ thuê 13 người để toàn bộ sách vở của cụ ra đến tận Chiêm Hóa. Còn cụ Mai thì đi bộ cùng gia đình”, ông Huy kể.
Các tư liệu thể hiện cái tâm dùng người tài của Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên được con trai út lưu trữ cẩn thận
Trường hợp của Tiến sĩ toán học Lê Văn Thiêm cũng quyết liệt không kém. Khi hay tin ông Thiêm từ Pháp sang Bangkok, qua Campuchia về đến chiến khu ở Nam Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên gửi ngay công điện cho ông Phạm Văn Đồng đề nghị điều động ông Thiêm ra Tuyên Quang giúp phát triển nền đại học kháng chiến.
Ông dẫn đoàn giáo dục Việt Nam tới thăm Tổng thống Mali năm 1964. Vì Việt Nam có kinh nghiệm trong việc xóa mù chữ và phổ cập giáo dục nên những năm sau này, ông thường giữ nhiệm vụ phát triển quan hệ với các nước châu Phi, chủ yếu đưa chuyên gia sang giúp đỡ họ phát triển giáo dục.
Chiếc đồng hồ Movado do Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng các thành viên chính phủ sau Hội nghị Giơnevơ năm 1954. Mặt đồng hồ có vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh là một kỷ vật Bộ trưởng Huyên yêu quý nhất. Ông đeo nó từ khi được tặng đến khi qua đời. Sau khi ông mất, những tư liệu, kỷ vật liên quan đến cuộc đời, hoạt động của ông đều được gia đình lưu giữ cẩn thận và trưng bày tại bảo tàng Nguyễn Văn Huyên.