Thiếu tướng Anh hùng Trần Tôn Thất trong Kế hoạch CM-12

Trong Kế hoạch CM-12, đồng chí Trần Tôn Thất được giao giáo dục, cảm hóa và hướng dẫn một số thành viên của tổ chức địch thực hiện nhiệm vụ của Ban chuyên án. Trần Tôn Thất đã mạnh dạn đề xuất với cấp trên cho các thành viên này được hưởng những quyền lợi như những công dân bình thường, điều đó càng làm cho họ tin tưởng hơn vào cách mạng và tích cực hoàn thành nhiệm vụ được giao…

Đồng chí Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Tôn Thất, Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an

Ngay từ những ngày đầu tiên Lực lượng An ninh tiến hành đấu tranh với tổ chức phản cách mạng của Lê Quốc Túy – Mai Văn Hạnh, có một cán bộ trinh sát còn khá trẻ thuộc cơ quan phản gián tham gia trực tiếp với những nhiệm vụ đặc biệt. Đó là Trần Tôn Thất, thường được nhiều người gọi một cách thân mật là Bảy Thất. Ít ai biết rằng, cái tên thân mật này xuất hiện từ khi ông tham gia Kế hoạch CM-12 và do ông tự đặt.

Thiếu tướng Trần Tôn Thất là một trong những cán bộ an ninh tham gia tích cực, lập nhiều thành tích xuất sắc trong Kế hoạch phản gián CM-12.Vì những lý do công tác và do bản tính khiêm tốn, Thiếu tướng Trần Tôn Thất rất ít khi nói về mình. Ngay cả những hoạt động của anh trong Kế hoạch CM-12 của anh rất có nhiều chuyện lý thú nhưng lại không dễ viết.

Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Tôn Thất, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, nay đã nghỉ hưu nhưng vẫn luôn gắn bó với lực lượng an ninh và với quê hương, đất nước. Sinh ra ở xã Hoài Xuân, huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định. Ông là con cả trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Cha của Trần Tôn Thất là bộ đội thời kháng chiến chống Pháp. Đến năm 1954, ông ở lại chiến trường miền Nam hoạt động. Mới 9 tuổi Trần Tôn Thất được tổ chức đưa ra miền Bắc học tập.

Từ năm 1954 đến 1964, Trần Tôn Thất hoàn thành chương trình phổ thông và được tuyển vào Trường Công an Trung ương học khóa D12. Sau khi ra trường, chàng trai trẻ giàu nhiệt huyết Trần Tôn Thất được phân công về Công an tỉnh Hà Tây với nhiệm vụ là trinh sát Phòng Bảo vệ nội bộ. Công tác được một thời gian, ông được tuyển chọn đi học tiếng Thái Lan ở trường Đại học Ngoại thương. Ra trường, Trần Tôn Thất được điều động về Cục Bảo vệ chính trị, Bộ Công an. Từ năm 1972 đến đầu năm 1975, Trần Tôn Thất xung phong vào chiến trường Vĩnh Linh – Quảng Trị đầy khói lửa và nhiều điều phức tạp, hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh, đặc biệt là trong công tác an ninh.

Vào lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào thời kỳ tổng tiến công, tổng khởi nghĩa để giải phóng hoàn toàn miền Nam, Trần Tôn Thất được Bộ Công an chọn tăng cường cho Tiểu Ban bảo vệ chính trị thuộc Trung ương Cục miền Nam. Ở bất cứ nhiệm vụ nào, Trần Tôn Thất cũng hoàn thành nhiệm vụ được giao và được cấp trên rất tin tưởng.

Khi toán gián điệp – biệt kích Minh Vương 1 của tổ chức phản cách mạng “Mặt trận thông nhất các lực lượng giải phóng Nam Việt Nam” của Lê Quốc Túy – Mai Văn Hạnh tiến hành hoạt động xâm nhập Việt Nam qua Campuchia, Trần Tôn Thất đang công tác tại Cục Bảo vệ chính trị I ở phía Nam. Lúc đó, ông Hồ Khiết là Phó Cục trưởng phụ trách bộ phận phía Nam của đơn vị này.

Sau khi chuyên án AB-27 được Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) xác lập để đấu tranh với tổ chức phản cách mạng Lê Quốc Túy – Mai Văn Hạnh, Trần Tôn Thất và một số cán bộ của Cục Bảo vệ chính trị I và các đơn vị khác như Ba Sơn, Tám Nghĩa, Trần Lương Tư… tham gia.

Ta bắt được một số tên biệt kích xâm nhập trong toán Minh Vương 1, trong đó có Huỳnh Phúc Nam, là điện tín viên của địch, Ban chuyên án quyết định thực hiện chủ trương “tương kế tựu kế”, dùng địch đánh địch, thông qua điện đài địch để câu nhử số gián điệp biệt kích còn ở nước ngoài về, đánh tan âm mưu và ý đồ của địch.

Một trong những nhiệm vụ mà Ban chuyên án giao cho Tổ công tác đặc biệt là bố trí làm trong sạch một số điểm ở rừng U Minh, đưa biệt kích và điện đài đến đó để hoạt động, dựng lên căn cứ giả để cho trung tâm chỉ huy gián điệp biệt kích thẩm tra, đưa vũ khí tiếp tế. Trần Tôn Thất và các cán bộ trinh sát được Ban chuyên án cử đi Kiên Giang tìm địa điểm thiết lập “căn cứ” giả, đặt điện đài. Gần một tháng trời lặn lội ở huyện Hòn Đất, Kiên Giang, Trần Tôn Thất và đồng đội đã tìm được một địa điểm tại Hòn Đất, nơi đã thành địa danh nổi tiếng trong tiểu thuyết “Hòn Đất” của nhà văn Anh Đức. Sau khi thẩm định địa điểm này và nghe báo cáo của tổ trinh sát, Ban chuyên án quyết định chọn một địa điểm ở Hòn Đất để “tác chiến”.

Trong thời kỳ này, xuất phát từ tình hình thực tế an ninh ở miền Nam, được sự đồng ý của lãnh đạo Bộ, một số cán bộ có kinh nghiệm được bố trí vào Tổ an ninh K4/2, trong đó có Trần Tôn Thất. Khi vụ xâm nhập của nhóm gián điệp biệt kích Lê Quốc Túy – Mai Văn Hạnh bị phát hiện, Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm giao nhiệm vụ tổ chức trực tiếp thực hiện kế hoạch nghiệp vụ cho đơn vị Bảo vệ chính trị I do ông Hồ Khiết (sau này là Cục trưởng) phụ trách chính. Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm giao cho nhiệm vụ trực tiếp tổ chức khai thác Lê Hồng Dự (toán trưởng) và Huỳnh Phúc Nam cho bộ phận của ông Hồ Khiết. Trần Tôn Thất cũng tham gia xét hỏi, khai thác các đối tượng này.

Sau đó, Trần Tôn Thất cùng một số cán bộ trinh sát của đơn vị X tiến hành thực hiện một số công tác nghiệp vụ, chuẩn bị cho điện đài của chuyên án AB-27 lên máy. Trần Tôn Thất đã thuyết phục, cảm hóa được Huỳnh Phúc Nam đồng ý làm việc cho ta. Tuy nhiên, do quá thận trọng, nên một tháng rưỡi sau khi xâm nhập, điện đài viên của toán AB-27 mới lên máy nên trung tâm địch không bắt liên lạc nữa.

Tuy nhiên, công tác thu thập, theo dõi hoạt động của bọn Túy – Hạnh vẫn được tiếp tục tiến hành. Đến ngày 12/5/1981, sau khi đơn vị trinh sát kỹ thuật phát hiện tàu của bọn gián điệp biệt kích xâm nhập ở vùng biển Tây Nam, lực lượng an ninh Minh Hải đã kịp thời bắt giữ bọn gián điệp biệt kích. Lãnh đạo Bộ quyết định tiếp tục thực hiện chủ trương “tương kế tựu kế – dùng địch đánh địch”. Lần này, Bộ huy động một số cán bộ an ninh của Công an Minh Hải, Tổ an ninh K4/2 và đơn vị trinh sát kỹ thuật X tham gia kế hoạch đánh địch.

Trần Tôn Thất được chọn vào Tổ trinh sát đặc biệt gồm Trần Phương Thế (Tám Thậm), Hồ Việt Lắm, Trần Lương Tư… và một số gián điệp biệt kích xâm nhập đã đầu thú và làm việc cho ta. Trần Tôn Thất được giao nhiệm vụ quản lý, giáo dục các đối tượng gián điệp biệt kích bị ta bắt giữ để trực tiếp phục vụ cho các kế hoạch của chuyên án. Nói thì dễ, nhưng đó là cả một quá trình đầy khó khăn và gian khổ đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ an ninh.

Và Trần Tôn Thất lại được giao nhiệm vụ là trực tiếp tổ chức cho “Tổ đặc biệt” liên lạc với trung tâm của Lê Quốc Túy – Mai Văn Hạnh ở Bangkok. Lần này, kế hoạch của ta đã thành công. Đối phương đã rơi vào bẫy của ta mà không hề biết.

Hầu như trong thời gian dài suốt 5 năm kể từ 1980 đến 1985, đặc biệt là 3 năm từ 1980 – 1983, các trinh sát trong Tổ đặc biệt không được phép gặp gỡ người thân, hoặc nếu gặp thì phải biết cách giữ bí mật công tác mình đang làm để giữ bí mật tuyệt đối mà Ban chỉ đạo Kế hoạch CM-12 đã yêu cầu. Trần Tôn Thất cũng phải thực hiện yêu cầu đó. Anh phải xa vợ con, xa thành phố đến sống ở vùng sông nước Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, An Giang… trong vai một người làm ăn bình thường. Anh cùng đồng đội đã phải tự tổ chức cuộc sống, làm nhà, đào giếng, trồng rau, nuôi cá, làm mắm… Cuộc sống gian khó có lúc làm anh ngã bệnh, nhưng với nghị lực hiếm có, Trần Tôn Thất đã vượt qua và luôn luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Đồng chí Trần Tôn Thất đã giáo dục, cảm hoá những người lầm đường trở thành những người có công không nhỏ, góp phần vào thắng lợi của Kế hoạch CM-12. Bản thân anh là một tấm gương sống đối với họ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ đặc biệt do lãnh đạo Kế hoạch CM-12 giao. Trần Tôn Thất đã giáo dục, cảm hóa và hướng dẫn một số thành viên của tổ chức địch thực hiện nhiệm vụ Ban chuyên án giao. Nắm vững tâm lý, nguyện vọng của những thành viên đó, Trần Tôn Thất đã mạnh dạn đề xuất với cấp trên cho họ được hưởng những quyền lợi như những công dân bình thường, điều đó càng làm cho họ tin tưởng hơn vào cách mạng và tích cực hoàn thành nhiệm vụ được giao trong suốt nhiều năm. Nhiều người trong số họ đã được tặng thưởng huân chương chiến công, bằng khen của Bộ Công an…–PageBreak–

Trần Tôn Thất còn được giao nhiệm vụ đóng vai là người của địch trong nội địa. Trong các chuyến xâm nhập của địch, nhất là những khi ta cho một số tên gặp gỡ các “NK” tức là những thành viên của địch trong nước, Trần Tôn Thất đã mưu trí, linh hoạt làm cho địch tin tưởng, phục vụ đắc lực cho kế hoạch đấu tranh lâu dài. Đặc biệt, trong hai chuyến xâm nhập của Mai Văn Hạnh, chính Trần Tôn Thất đã được bố trí làm một cốt cán của “Mặt trận” đưa Hạnh đi “thăm”, “kiểm tra” các “cơ sở”, “mật cứ” của chúng (mà thực chất do ta dựng lên). Với trình độ nghiệp vụ cao và cách ứng xử linh hoạt, “vào vai” nhuyễn, nên Trần Tôn Thất đã làm cho Mai Văn Hạnh tin tưởng, góp phần tích cực vào thắng lợi của kế hoạch nghiệp vụ của ta.

Sau khi ta tổ chức thành công đón bắt chuyến xâm nhập cuối cùng của tổ chức Lê Quốc Túy – Mai Văn Hạnh bằng đường biển vào ngày 9/9/1984, Trần Tôn Thất được Ban chỉ đạo Kế hoạch CM-12 điều động về chỉ huy trại B7 ở Đồng Nai. Đây là cơ sở giam giữ số gián điệp biệt kích của Túy – Hạnh bị ta bắt giữ trong các chuyến xâm nhập và một số vụ án khác.

Mặc dù tháng 12/1984 ta đã đưa bọn gián điệp biệt kích như Mai Văn Hạnh, Trần Văn Bá, Huỳnh Vĩnh Sanh… ra xét xử, nhưng trên thực tế, Kế hoạch ĐN-10 tiếp tục được tiến hành. Đây là một phần của Kế hoạch nghiệp vụ được gọi chung là CM-12.

Nhiệm vụ của đồng chí Trần Tôn Thất và những cán bộ an ninh ở Trại B7 rất nặng nề. Đó không phải là một trại giam bình thường, không chỉ giam giữ những người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia mà còn được giao những nhiệm vụ đặc biệt phục vụ cho Kế hoạch ĐN-10. Trần Tôn Thất đã thực hiện việc giáo dục, giác ngộ, cảm hóa, hướng dẫn một số đối tượng trở thành lực lượng bí mật được cơ quan an ninh sử dụng tham gia Kế hoạch ĐN-10 một cách có hiệu quả.

Tượng đài Bảo vệ An ninh Tổ quốc tại Hòn Đá Bạc.

Đến tháng 11/1985, Trần Tôn Thất được điều động về Cục Bảo vệ chính trị 1 và được Bộ cử tham gia Đoàn chuyên gia giúp Bộ Nội vụ Campuchia về công tác an ninh. Đồng chí Trần Tôn Thất đã tận tình giúp Bạn trong công tác phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn được nhiều hoạt động phá hoại của tàn quân Polpot, góp phần vào việc tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị Việt Nam – Campuchia.

Trong thời gian này, ta nắm được ý đồ của Lê Quốc Túy muốn mở hành lang xâm nhập mới qua Campuchia. Trong thời gian ở Campuchia, vừa giúp bạn, Trần Tôn Thất còn tích cực tham gia một số kế hoạch đấu tranh với bọn phản động lưu vong tìm cách xâm nhập và đứng chân ở địa bàn Campuchia để chống phá cách mạng Việt Nam, trong đó có tổ chức của Lê Quốc Túy.

Trần Tôn Thất đã không quản ngại gian khổ, đã thực hiện nhiều chuyến công tác bí mật, lần theo các đường dây xâm nhập của địch trên đất Campuchia, đặc biệt là một số vùng ở biên giới Campuchia – Thái Lan. Trong điều kiện hoạt động bí mật, thậm chí có khi hoạt động ở vùng do tàn quân Khmer Đỏ tạm kiểm soát. Năm 1986, Trần Tôn Thất được lãnh đạo Tổng cục An ninh giao nhiệm vụ tổ chức lực lượng bí mật “móc nối” với tổ chức phản cách mạng của Lê Quốc Túy và đã thành công.

Thời gian này, Lê Quốc Túy quyết định dốc túi đưa những số tay chân còn lại ở Thái Lan xâm nhập qua Campuchia để về Việt Nam và phân tán theo từng toán trong nội địa để hoạt động.

Trung tuần tháng 8/1986, chúng cử một toán “tiền trạm” gồm hai tên truyền tin là Lưu Danh (có bí số là HK-215 và sau đổi lại là SK-111) và Thạch T., (bí danh là Khiết, bí số là SK-112), người Việt gốc Khmer vượt biển xâm nhập vào đảo Kô Tang thuộc tỉnh Kông Pông Som. Chúng chôn giấu điện đài, vũ khí ở đó và vào tìm đường lên bờ vào Phnôm Pênh. Ngày 22/8/1986, ta bắt được hai tên SK-111và SK112 và cho thu lại điện đài.

Ta đề nghị phía  Campuchia  tạo điều kiện, giúp đỡ để thực hiện kế hoạch đấu tranh làm thất bại hoàn toàn tổ chức phản cách mạng “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam” của Túy. Trong thời kỳ này, đoàn chuyên gia an ninh của Việt Nam tại Campuchia, trong đó có đồng chí Trần Tôn Thất trực tiếp tham gia.

Trong kế hoạch đón bắt bọn gián điệp biệt kích xâm nhập vào Campuchia, Trần Tôn Thất được phân công chỉ huy một mũi quan trọng. Với kinh nghiệm dày dạn của một trinh sát, Trần Tôn Thất đã mưu trí cùng lực lượng an ninh của ta bắt giữ toàn bộ toán xâm nhập cuối cùng của “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam”. Sau khi Lê Quốc Túy bị chết vì cơn bạo bệnh ở nước ngoài, tổ chức của y bị tan rã hoàn toàn.

Với quá trình chiến đấu lâu dài, không mệt mỏi trong sự nghiệp bảo vệ an ninh Tổ quốc, đặc biệt nổi bật nhất là trong Kế hoạch CM-12, Thiếu tướng Trần Tôn Thất được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý. Năm 2006, Thiếu tướng Trần Tôn Thất được tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân

Leave Comments

0394.411.939
0394411939