Mười năm trôi qua rất nhanh nhưng trong mỗi chúng ta, hình ảnh của vị Đại tướng của Nhân dân luôn “sống ngày nào, cũng là vì đất nước ngày đó.” vẫn còn vẹn nguyên.
Hà Nội đang độ cuối thu. Nắng vàng hanh hao, không gian lắng đọng khiến bất cứ ai thả hồn mình vào lòng Hà Nội đều ngậm ngùi nhớ đến những ngày này của 10 năm về trước.Mùa thu năm ấy, cả dân tộc ngập tràn trong niềm tiếc thương vô hạn, nén giọt lệ đau thương tiễn đưa vị anh hùng dân tộc, vị tướng huyền thoại của đất nước Việt Nam – Đại Tướng Võ Nguyên Giáp.
Dẫu biết rằng sự ra đi của Đại tướng là không thể tránh khỏi vì qui luật của tạo hóa, Đại tướng lại bị bệnh trọng bấy lâu và đã là đại thọ, nhưng tất cả nhân dân ta, từ già trẻ, gái trai, đều trào dâng xúc động, vô vàn yêu kính, tiếc thương.
“Ôi! Vẫn biết phút giây này sẽ đến
Mà làm sao tim vẫn nghẹn nên lời
Vị tướng tài bao triệu người quý mến
Trái tim Người ngừng đập… Việt Nam ơi!”
(TS Lê Thống Nhất)
Được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời, cả nước từ miền xuôi đến miền ngược, từ rừng núi đến đồng bằng, từ miền Bắc khơi nguồn, qua miền Trung ruột thịt, đến Nam bộ thành công, từ Trường Sơn hùng vĩ đến Hoàng sa, Trường sa đất mẹ thân thương, đều nghiêng mình tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Đại tướng, một vĩ nhân của thời đại, một vị tướng hiện thân của chiến thắng và cũng là một vị tướng hiện thân của hòa bình hữu nghị giữa các dân tộc.
18h09 phút ngày 4/10 của mùa thu năm đó, tin Đại tướng đã trút hơi thở cuối cùng đột ngột đến tai hàng triệu người dân, triệu trái tim cả nước như ngừng đập. Đêm lịch sử đó, không ai bảo ai, hàng ngàn người tập trung trước cổng căn nhà số 30 Hoàng Diệu, lặng lẽ xếp hàng dài chờ đến lượt mình được vào viếng, cả dòng người hàng nghìn, hàng vạn nối tiếp nhau tới viếng di ảnh của Đại tướng thắp nến tưởng nhớ Người.
Nhân dân tiễn đưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ngày thu năm đó, đoàn xe chở linh cửu Đại tướng đi giữa hàng vạn đồng bào, những giọt nước mắt đau thương lăn dài trên má, có tiếng nấc nghẹn ngào, có tiếng khóc “Cha ơi”, “Bác ơi” như xé ruột xé gan. Từ tầng lớp trí thức, tới những người lao động nghèo khó, học sinh, sinh viên đều một lòng thành kính tưởng nhớ về Người. Nhiều người dân đã không nén nổi xúc động khi có mặt tại nhà riêng của Đại tướng. Người già đau nỗi đau mất đi vị tướng tài từng vào sinh ra tử, chiến đấu vì non sông đất nước. Người trẻ đau nỗi đau mất đi một nhân chứng lịch sử, một tượng đài vĩ đại, một người đã làm nên chiến thắng lịch sử huy hoàng, mở ra một bước ngoặt mới của chiến tranh hiện đại, trận chiến Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Anh Văn luôn ở trong trái tim của các thế hệ người dân Việt Nam
Người già khóc cạn nước mắt tiếc thương. Người trẻ chỉ quay đi, giấu những giọt lệ vừa trào ra nơi khóe mắt. Để rồi ngay lập tức những hàng dài nối nhau trong màu áo xanh tình nguyện, áo cờ đỏ sao vàng,… nắm chặt lấy tay nhau. Người làm hàng rào bảo vệ, người dẫn đường, người mang bánh mì, mang nước tới cho hàng vạn đồng bào đang xếp hàng dài hàng kilomet. Có lẽ cũng chưa bao giờ, chưa khi nào, những người trẻ Việt Nam mới đau chung một nỗi đau và xích lại gần nhau đến thế.
Hai năm rồi, căn nhà số 30 Hoàng Diệu vẫn im lìm giữa chốn phồn hoa như vốn dĩ. Những hàng cây vẫn rì rào kể cho nhau nghe câu chuyện về một người dành cả cuộc đời cho đất nước. Đại tướng đã ra đi, một người con ưu tú của dân tộc đã vĩnh biệt chúng ta, để lại cho toàn Đảng, toàn dân ta niềm tiếc thương vô hạn. Với lòng tôn kính và biết ơn nhà lãnh đạo kiệt xuất, tài đức vẹn toàn, nhân dân ta mãi ghi lòng tạc dạ. Cả nước ngập tràn trong nước mắt. Vì đại tướng là của nhân dân. Đại tướng mãi mãi sống trong lòng người dân Việt Nam.