Tháng 10-1958, trong lần đến thăm lớp Nghiên cứu I và Bổ túc khóa VI, Trường Công an Trung ương, Bác nói chuyện với cán bộ, học viên; nhắc nhở anh em rèn luyện đạo đức tác phong, chịu khó học tập để hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng CNXH. Bác nhấn mạnh: “Công an đánh địch bên ngoài đã khó, đánh địch bên trong người còn khó khăn hơn. Vì vậy phải nâng cao kỷ luật, tính tổ chức… Công tác phải đi sâu và thiết thực, làm việc phải có điều tra, nghiên cứu, không được tự kiêu, tự đại.
Phải đoàn kết nội bộ, đoàn kết với nhân dân và với các ngành khác thì công việc mới thuận lợi”.
Trong lần nói chuyện với bộ đội, Công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô, lường trước những vấn đề có thể “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, trong đó có Công an, Bác căn dặn:“Ta ở rừng núi, quen tiết kiệm của công, của riêng. Đó là điều tốt.
Về xuôi, Bác chỉ nói vài cái nhỏ: phở ngon, rồi thì đồng hồ, bút máy, xe đạp… Nếu không giữ được thói quen tiết kiệm thì sẽ tham ăn ngon, tham mua các thứ xa hoa. Lương không đủ thì sẽ lấy ở đâu? Lúc ấy chỉ có hai cách: Một là ăn cắp của Chính phủ, hai là bị tiền mua chuộc…
Một vài thí dụ: Nó đi buôn lậu, sợ anh bắt, nó cho anh cái đồng hồ, bút máy để đi thoát. Cán bộ đi mua bán, nó cho ăn một ít để mua đắt, bán rẻ cho nó. Đó là ăn hối lộ, mà ăn hối lộ là có tội, vì nó làm hại cho nhân dân, thiệt đến công quỹ của Chính phủ…”.
Công an là một nghề đặc thù, thường xuyên đối mặt với những mặt trái của xã hội, nhiều công việc liên quan đến yếu tố bí mật. Một số cán bộ Công an được giao thực hiện nhiệm vụ hoạt động đơn tuyến, không có người kiểm soát. Nếu không có ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức và không chấp hành đúng các nguyên tắc, quy trình công tác thì sẽ rất dễ bị sa ngã trước những cám dỗ vật chất hoặc bị hạ gục bởi những âm mưu thâm độc của bọn tội phạm và các thế lực thù địch.
Từ người lãnh đạo chỉ huy cao nhất, đến từng chiến sỹ đều phải có ý thức nói đi đôi với làm, nêu gương tốt, làm việc tốt. Đồng thời với tự giác rèn luyện đạo đức, lực lượng Công an còn phải đấu tranh chống những hành vi phi đạo đức. Đó hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Nó không chỉ là việc chống những hành vi phi đạo đức của người khác, mà khó khăn hơn, nó là sự tự đấu tranh trong bản thân mỗi một con người nhằm chống lại lòng tham, sự vị kỷ, óc tư lợi, cái mà Bác gọi là “lòng tà”, là “kẻ thù trong mình”. Chống là để xây dựng và hoàn thiện đạo đức của mỗi con người. Không chống thì khó có thể xây được.
Ngay từ năm 1948, trong thư gửi đồng chí Hoàng Mai (khi đó là Giám đốc Công an Khu XII), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn về “tư cách người Công an cách mạng”. Bức thư có đoạn viết: “…cần thường xuyên làm cho anh chị em Công an nhận rõ Công an của ta là Công an nhân dân, vì nhân dân mà phục vụ và dựa vào dân mà làm việc.
Nhân dân ta có hàng chục triệu người, có hàng chục triệu tai mắt, tay, chân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong. Trên tờ báo phải luôn luôn nhắc nhở anh em rèn luyện tư cách đạo đức. Tư cách đạo đức người Công an cách mạng là: Đối với tự mình: phải Cần, Kiệm, Liêm, Chính/ Đối với Chính phủ: phải tuyệt đối trung thành/Đối với nhân dân: phải kính trọng, lễ phép/ Đối với công việc: phải tận tụy/ Đối với địch: phải cương quyết, khôn khéo. Nói tóm lại là những đạo đức và tư cách mà người Công an cách mệnh phải có, phải giữ cho đúng”.
Bác đặc biệt coi trọng việc tự rèn luyện, tu dưỡng của mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an: “Đối với tự mình, phải Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Đây là một yêu cầu luôn luôn thường trực trong bản thân mỗi người mà đây là mối quan hệ khó xử lý nhất.
Sức nặng của cái “tôi” nhiều khi đạt đến một biên độ khó lường. Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên quan điểm: mỗi một con người đều có cái thiện, cái ác trong lòng, vì vậy phải làm cho phần thiện nảy nở như hoa mùa xuân và cái ác bị mất dần đi. Đặc biệt, đối với một người cán bộ Công an thường xuyên phải đối mặt với những mặt trái của xã hội, khi giá trị đồng tiền làm lu mờ giá trị đạo đức, trước những cám dỗ vật chất nếu không làm chủ được bản thân thì rất dễ sa ngã. Bác từng nói: “…
Có thể những người khi kháng chiến thì rất anh dũng, trước bom đạn không chịu khuất phục, nhưng đến khi về thành thị lại bị tiền bạc, gái đẹp quyến rũ, mất lập trường, sa vào tội lỗi. Cho nên bom đạn của địch không nguy hiểm bằng “đạn bọc đường” vì nó làm hại mình mà mình không trông thấy. Muốn giữ vững nhân cách, tránh khỏi hủ hóa, thì phải luôn thực hành 4 chữ mà Bác thường nói. Đó là: Cần, Kiệm, Liêm Chính…”.
Vì thế, tự mình đấu tranh với bản thân tưởng như đơn giản nhưng lại là khó khăn lớn nhất. Đó cũng là lý do tại sao trong 6 điều nói về tư cách người Công an cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu điều đầu tiên là “Đối với tự mình, phải Cần, Kiệm, Liêm, Chính”. Vấn đề này như là một điều tiên quyết, như là một điểm xuất phát trong khi xem xét các phẩm chất, tư cách đạo đức của người cán bộ Công an.
Đất nước ta đang tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong sự nghiệp vĩ đại của dân tộc, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh ngày càng nặng nề hơn. Để hoàn thành tốt được nhiệm vụ vinh quang đó, hơn bao giờ hết, mỗi cán bộ, chiến sỹ Công an nhân dân phải không ngừng học tập, rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XII) về xây dựng Đảng. Có như vậy, công tác bảo vệ an ninh quốc gia, đảm bảo trật tự an toàn xã hội mới đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mà Đảng, nhân dân tin tưởng giao cho lực lượng Công an nhân dân.