Dưới góc nhìn của đối phương

Trước thất bại chua chát tại Điện Biên Phủ, Thủ tướng Chính phủ Pháp M.La-ni-en đã phải thốt lên: “Trong lịch sử của mỗi dân tộc đều có những sự kiện có tính chất quyết định. Những tên gắn liền với chúng, cả những ngày tháng cũng thế, chứa đựng một ý nghĩa vượt qua bản thân các sự kiện đó. Sáng sủa hay đen tối, trước mắt mọi người, những sự kiện đó đều tượng trưng cho số phận tốt hay xấu của nước nhà… Điện Biên Phủ là một trong những cái tên như thế”.

“Thủ tướng Chính phủ Pháp M.La-ni-en thừa nhận: “Điện Biên Phủ đã giáng một đòn tinh thần nặng nề vào dư luận quần chúng cũng như vào giới quân sự. Chính như vậy mà Hà Nội đã loan truyền những tin đồn bi quan nhất về một cuộc tiến công của địch có thể xảy ra ở vùng châu thổ sông Hồng…”. Đó là những dòng viết của Thủ tướng M.La-ni-en trong cuốn sách có nhan đề “Tấn bi kịch Đông Dương”, xuất bản tại Paris (Pháp) năm 1957.

Dư luận quốc tế khâm phục Chiến thắng Điện Biên Phủ
Không quản ngày đêm, dân công chuyển tải lương thực bằng đôi chân ra mặt trận. Ảnh tư liệu 

Trong bài viết với nhan đề “Điện Biên Phủ có nghĩa là sự phá sản của các kế hoạch của bọn thực dân” đăng trên Báo Sao đỏ (Liên Xô) số ra ngày 8-5-1954, cho rằng: “Thất bại của quân đội Pháp ở Điện Biên Phủ không phải là một sự ngẫu nhiên. Binh lính Pháp càng ngày càng thấy rõ tính chất phi nghĩa của cuộc chiến tranh… Lời tuyên bố của hạ sĩ Rô-be Mác-tanh bị bắt làm tù binh ở Điện Biên Phủ đã phần nào chứng tỏ điều đó: “Binh lính và sĩ quan người Pháp chúng tôi tinh thần sút kém vì chúng tôi không biết chiến đấu vì mục đích gì”.

Đến cả Phó tổng thống Mỹ Ních-xơn cũng phải thừa nhận rằng: “Binh lính Pháp không muốn kéo dài cuộc “chiến tranh bẩn thỉu” này. Ông tuyên bố: “Còn nói về trận chiến đấu nguy ngập hiện nay ở Điện Biên Phủ thì ở đó không có tinh thần chiến thắng. Pháp đã quá mệt mỏi vì chiến tranh, cũng như chúng ta mệt mỏi vì Triều Tiên”.

“Trước dư luận, Điện Biên Phủ có nghĩa là sự phá sản của “kế hoạch Na-va” phiêu lưu mà trước đây người ta đã quảng cáo ầm ĩ. Giải phóng cứ điểm này chứng tỏ lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam và ý chí không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ nền tự do, độc lập của mình. Bài học Điện Biên Phủ nói lên rằng tất cả mọi âm mưu giải quyết vấn đề Đông Dương bằng cách tiếp tục cuộc chiến tranh thuộc địa đều bị thất bại”.

Phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới

Các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và các nước dân chủ đã bày tỏ sự khâm phục đối với chiến thắng Điện Biên Phủ của nhân dân Việt Nam. Bài viết với nhan đề “Nguyện vọng của nhân dân Việt Nam” của A.Phi-líp-pốp, đăng trên Báo Sự thật (Liên Xô), số ra ngày 8-5-1964 nhận định: “Chữ Điện Biên Phủ đã trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm và bất khuất của nhân dân Việt Nam. Mười năm về trước, ngày 7-5, sau nhiều năm tiến hành cuộc chiến đấu anh dũng chống bọn thực dân Pháp, những người yêu nước Việt Nam đã giành được thắng lợi trước bọn can thiệp ở vùng Điện Biên Phủ”.

“Cuộc chiến đấu đầy hy sinh của những người yêu nước Việt Nam dựa trên sự ủng hộ mạnh mẽ của Liên Xô, của các nước khác trong phe xã hội chủ nghĩa và của tất cả các lực lượng yêu hòa bình đã buộc bọn xâm lược phải lùi bước. Tháng 7-1954, tại Hội nghị Giơ-ne-vơ đã ký kết các hiệp định chấm dứt cuộc chiến tranh đẫm máu. Đó là thắng lợi quan trọng của các lực lượng hòa bình”.

Nhân dân các nước thuộc địa, nửa thuộc địa ở khắp các châu lục đã đón nhận sự kiện Điện Biên Phủ như là thắng lợi của chính mình. Phát biểu tại cuộc mít tinh ở Hà Nội, ông Hu-a-ri Bu-mê-đi-en, Trưởng đoàn đại biểu Chính phủ nước Cộng hòa An-giê-ri dân chủ và nhân dân, ngày 6-3-1974 khẳng định: “Nhân dân Việt Nam đã làm cho nguyện vọng của chúng tôi thêm sâu sắc và đã giúp cho lòng tin tưởng và niềm hy vọng của chúng tôi thêm mạnh mẽ. Chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếng chuông cáo chung của chủ nghĩa thực dân Pháp ở châu Á, đã được nhân dân An-giê-ri xem như là một chiến thắng của bản thân mình”.

“Chiến thắng đó đã củng cố thêm lòng tin tưởng của nhân dân An-giê-ri chúng tôi là: Quân thù không phải là không thể bị đánh bại và xiềng xích không phải là vĩnh cửu và bình minh của một kỷ nguyên mới nhất định sẽ nối tiếp đêm dài của chủ nghĩa thực dân…”.