Nhật ký trong tù (Ngục trung nhật ký) là tập thơ chữ Hán gồm 133(không tính “Đầu từ”) bài theo thể Đường luật do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác trong thời gian bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam ở Quảng Tây, Trung Quốc, từ ngày 29/8/1942 đến ngày 10/9/1943.
Đây là một tập nhật kí bằng thơ mà trong đó Bác đã ghi chép khá tỉ mỉ, chân thực những gì Bác đã chững khiến, đã trải qua trong thời gian 13 tháng ở tù. Cũng chính vì vậy mà tập thơ có một giá trị hiện thực rất cao.
Tập thơ khép lại bằng bài thơ Mới ra tù tập leo núi viết vào tháng 9 năm 1943. Nhưng đến năm 1960, tập thơ này mới được xuất bản. Đến nay, tập thơ đã được xuất bản nhiều lần với nhiều hình thức khác nhau và được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới.
Nội dung chính của tập thơ Nhật ký trong tù:
Tập thơ thể hiện tâm hồn phong phú cao đẹp của người tử tù vĩ đại. Về phương diện này, có thể xem Nhật kí trong tù như một bức chân dung tự họa con người tinh thần của chủ tịch Hồ Chí Minh.
Chân dung Bác Hồ trong tập thơ là hình ảnh nhà ái quốc vĩ đại lúc nào cũng nóng lòng sốt ruột hướng về tổ quốc, khao khát tự do và là chiến sĩ cộng sản kiên cường bất khuất. Dù bị đầy đọa trong lao tù Người vẫn ung dung tự tại, tràn trề tinh thần lạc quan, hướng đến tương lai.
Tâm hồn Bác cũng rất nhạy cảm với mọi biến đổi của thiên nhiên cho nên điều dễ hiểu là trong tập thơ Nhật kí trong tù có khá nhiều bài thơ hay của Bác viết về thiên nhiên. Có thể nói, tập thơ Nhật kí trong tù đã bộc lộ cốt cách của một người chiến sĩ kiên cường, bất khuất, của một thi nhân có tâm hồn rộng mở, một nghệ sĩ lớn.
Ngoài ra, phần cuối văn bản là bút ký đọc sách và bút ký đọc báo ghi chép tóm tắt những thông tin quan trọng về chính trị, quân sự, văn hóa quốc tế và Việt Nam đương thời.
Năm 2012, tập Nhật kí trong tù chính thức được công nhận là một bảo vật quốc gia, có giá trị về văn học, lịch sử sâu sắc.
Đọc bản PDF tại đây:
HCMPSA-Nhật ký trong tù_ Phần 1 – Hồ Chí Minh
HCMPSA- Nhật ký trong tù _ Phần 2 – Hồ Chí Minh
Hoàn Cảnh Sáng Tác Tập Thơ Nhật Ký Trong Tù Của Hồ Chí Minh
Tháng 8/1942 với danh nghĩa là đại biểu của Việt Nam Độc lập Đồng minh và phân bộ quốc tế phản xâm lược của Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc lấy tên là Hồ Chí Minh lên đường sang Trung Quốc để tranh thủ sự tiếp trợ của thế giới.
Lúc đi đến thị trấn Túc Vinh – Quảng Tây, Người bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam vô cớ. Trong suốt 13 tháng ở tù (mùa thu 1942 – mùa thu 1943), tuy bị đầy ải vô cùng cực khổ, Hồ Chí Minh vẫn giữ phong thái hết sức ung dung tự tại và vẫn làm thơ. Những bài thơ ấy sau này Người tập hợp lại thành tập Nhật kí trong tù.
Ý Nghĩa Tác Phẩm Nhật Ký Trong Tù Của Bác
Tập thơ Nhật ký trong tù đã phản ánh khá chân thực bộ mặt xấu xa, đen tối của chế độ nhà tù cũng như của xã hội Trung Quốc thời Tưởng Giới Thạch.
Mặt khác, qua tập thơ, người đọc cũng thấy được vất vả, gian lao của Bác trong chốn ngục tù. Từ cảnh ăn đói, mặc rét, bệnh tật cho đến những cuộc chuyển lao đầy gian khổ. Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Bác Hồ cũng vượt lên với một ý chí nghị lực kiên cường để chiến thắng hoàn cảnh.
Nhật ký trong tù không chỉ nêu ra những khó khăn, thách thức mà mỗi người tù phải vượt qua để đạt được tự do thật sự, đạt được mục đích lớn lao của cuộc đời mình, mà còn chỉ ra phương thức và kinh nghiệm của người tù Hồ Chí Minh để vượt qua nó.
Thông qua đó, ta học được ở Người sự vượt lên chính mình, vượt qua mọi thử thách của một hiện thực phũ phàng cả trong tâm hồn và ý chí – “đợi đến ngày tự do” để “đấu tranh cho tự do” một cách thiết thực, hiệu quả nhất trong Nhật ký trong tù, đó là “Sống ở trên đời, người cũng vậy,/Gian nan rèn luyện mới thành công”.
Những Nhận Định Về Nhật Ký Trong Tù
Quách Mạt Nhược từng nhận xét sau khi đọc xong tập thơ này: “Hồ Chí Minh là một bậc đại Trí, đại Nhân, đại Dũng”.
Theo nhà phê bình Hoài Thanh, “Thế giới quen thuộc trong thơ Bác là thế giới những hoàn cảnh cụ thể, những sự việc cụ thể trong đời sống hàng ngày: một người bạn tù không có cơm ăn, một em bé khóc, một cô gái xay ngô và rất nhiều sự việc khác có khi nhỏ nhặt, chi li. Nhưng từ những sự việc ấy, thơ Bác dẫn ra, đi sâu vào lối nhìn, lối nghĩ của người cộng sản, một cái gì rất bình thường mà vĩ đại…”. Ông còn khẳng định thêm “Tập thơ Nhật ký trong tù “đứng vô song trong văn học nước ta vì nó là những tiếng tâm hồn của Hồ Chủ tịch.
Ông Pierre Segher – Giám đốc một nhà xuất bản lớn ở Pháp và là một nhà thơ đã gửi đến một bức thư “Kính thưa Chủ tịch và thưa Nhà thơ thân mến” để xin phép Bác được in tập thơ ấy ra tiếng Pháp và nói: “Tôi có cái duyên được đọc “Nhật ký trong tù” dịch ra tiếng Pháp, những bài thơ ấy đã xáo trộn cả tâm hồn tôi”.
Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh đã viết “Nhà thơ Trung Quốc Quách Mạt Nhược nhận thấy trong Nhật ký trong tù có một số bài rất hay, nếu đặt lẫn vào trong tập thơ của những thi nhân đời Đường, đời Tống thì khó mà phân biệt được. Dĩ nhiên, đó không phải chỉ là nhận xét về chỗ tương đồng giữa thơ Bác với thơ cổ điển của Trung Hoa về bút pháp, phong cách mà còn là một cách đánh giá cao về phẩm chất nghệ thuật của Nhật ký trong tù.
Sách giáo khoa Văn 12 đã khẳng định:’”Có thể xem Nhật kí trong tà như một bức chân dung tự họa con người tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Nhật kí trong tù là một tập thơ có giá trị về nhiều phương diện. Sức hấp dẫn của tập thơ này trước hết đúng là sức hấp dẫn trong bức “chân dung tự họa con người tinh thần của Chủ tịch Hồ Chí Minh”. Hay nói cách khác, sức hấp dẫn của tập thơ chính là sức hấp dẫn của “chất người cộng sản Hồ Chí Minh”