HÒN ĐÁ BẠC – Nơi ghi dấu một chiến công rực rỡ khẳng định trí tuệ, bản lĩnh của Công an nhân dân Việt Nam

 

Trong những năm gần đây, năm nào cũng vậy, Đảng uỷ- Ban Giám đốc Công an tỉnh Tiền Giang đều tổ chức về nguồn, thăm di tích lịch sử Hòn Đá Bạc tại xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.

Vượt qua quãng đường dài hơn 370 km, từ Tiền Giang đến Hòn Đá Bạc, cán bộ chiến sĩ (CBCS) Công an tỉnh Tiền Giang thường tổ chức các hoạt động dâng hương, dâng hoa nhà thờ Bác Hồ, tượng đài Bảo vệ An ninh Tổ quốc và tham quan khu di tích. Đêm lưu lại Hòn Đá Bạc, anh em đồng chí, đồng đội quây quần bên nhau giữa cảnh quan thơ mộng, hùng vĩ, giữa tiếng sóng biển rì rào như tiếng vọng về từ lịch sử; cán bộ chiến sĩ cùng ôn lại chiến công của người đi trước; đồng thời khẳng định ý chí tiến công, quyết tâm công tác của thế hệ hôm nay: quyết liệt hơn,  trách nhiệm hơn  trong công cuộc đấu tranh bảo vệ An ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.

Trong chuỗi hành trình về nguồn hàng năm của Công an tỉnh Tiền Giang, Hòn Đá Bạc là một trong những điểm được chọn trước tiên, không phải vì cảnh quan tươi đẹp, kỳ vĩ  mà vì đó là nơi ghi dấu một chiến công rực rỡ, xuất sắc nhất của lực lượng Công an nhân dân – “Di tích lịch sử Hòn Đá Bạc – Trung tâm chỉ huy kế hoạch phản gián CM12”.  Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng nhấn mạnh: Chiến thắng CM12 là một trong những chiến công điển hình, một mốc son chói lọi, tô đậm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân”.

Tại Hòn Đá Bạc, vào ngày 12/5/1981, lực lượng an ninh và quân dân du kích đã phát hiện toán gián điệp, biệt kích xâm nhập vào lãnh thổ Việt Nam của tổ chức phản động có danh xưng là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu.

Trước năm 1975, Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh sống lưu vong ở Pháp. Năm 1975, khi thấy chính quyền ngụy có nguy cơ sụp đổ, hai tên này đã về nước. Sau ngày 30/4/1975, miền Nam hoàn toàn được giải phóng, thống nhất đất nước, với bản chất chống phá Cách mạng sẵn có, Túy và Hạnh tiếp tục ở lại miền Nam móc nối với các tổ chức phản động và các cơ sở được cài cắm theo “Kế hoạch hậu chiến” nhằm phối hợp “trong”, “ngoài”, thực hiện âm mưu lật đổ chính quyền Cách mạng.

Tháng 7/1975, Lê Quốc Túy, Mai Văn Hạnh sang Pháp, đứng ra thành lập tổ chức phản động gọi là “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” và bắt đầu các hoạt động để đưa bọn gián điệp biệt kích cùng với phương tiện, vũ khí xâm nhập về nước chống phá ta.

Đấu tranh với bọn phản động nguy hiểm này, Bộ Công an đã xây dựng kế hoạch phản gián CM -12 do Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm chỉ đạo và chọn nhiều cán bộ cốt cán của lực lượng an ninh miền Tây Nam bộ tham gia. Trong đó, Công an tỉnh Tiền Giang có hơn 10 cán bộ Công an dày dạn kinh nghiệm, bản lĩnh chiến đấu được chọn.

Kế hoạch phản gián CM12 là tập hợp của nhiều chuyên án đấu tranh với bọn phản động lưu vong ở nước ngoài. Trong đó Chuyên án CM12 là chuyên án trung tâm, đấu tranh với các đối tượng trong “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” của Lê Quốc Túy – Mai Văn Hạnh.  Và kế hoạch phản gián CM12 được kết thúc thắng lợi bằng chiến thắng của chuyên án CM-12.

Quá trình tham gia chuyên án, lực lượng an ninh Công an tỉnh Tiền Giang đã phát hiện, câu nhữ và bắt bí mật tên Tô Văn Hườn- gián điệp biệt kích đang tìm đường trốn đi nước ngoài để liên lạc báo cáo về Trung tâm. Việc bắt tên Hườn đã bảo vệ bí mật chuyên án, phục vụ tốt công tác đấu tranh của Tổng cục phản gián.

Từ năm 1981 đến năm 1984, các đối tượng đã thực hiện 17 chuyến xâm nhập. Quá trình đó, ta đã phát hiện rõ các âm mưu của đối tượng, phát hiện hầu hết các đầu mối và thu toàn bộ các phương tiện hoạt động, vũ khí và tiền giả các loại. Qua 4 năm, các yêu cầu nhiệm vụ đặt ra đã được thực hiện. Ban chỉ đạo quyết định kết thúc chuyên án CM12. Theo kế hoạch, bằng biện pháp nghiệp vụ, ta dụ kéo những tên cầm đầu tổ chức từ Thái Lan vào bắt gọn cả người, tàu xâm nhập, vũ khí, điện đài… phá toàn bộ lực lượng ngầm mà chúng đã cài lại trong nội địa.

Ngày 09/09/1984, ta tổ chức đón bắt chuyến xâm nhập cuối cùng. Kết quả, đã bắt sống 10 tên, trong đó có tên Mai Văn Hạnh và Trần Văn Bá, số còn lại bị ta tiêu diệt hoàn toàn, thu toàn bộ phương tiện, vũ khí và 2 tàu xâm nhập.

Chuyên án CM12 giành thắng lợi trọn vẹn là một chiến công rực rỡ của lực lượng Công an Nhân dân nói chung, lực lượng An ninh nhân dân nói riêng. Thắng lợi ấy bắt nguồn từ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, được sự chỉ đạo chặt chẽ của Bộ Chính trị, Bộ Công an, đặc biệt là cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng.

Chiến thắng CM-12 là một đòn quyết định làm thất bại âm mưu câu kết, móc nối trong- ngoài nhằm thực hiện kế hoạch tấn công vũ trang trong âm mưu “chiến tranh phá hoại nhiều mặt” của bọn phản động đối với nước ta. Như lời của cố Thượng tướng Cao Đăng Chiếm, nguyên Ủy viên trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ nội vụ, nay là Bộ Công an đã từng khẳng định: “Trong lịch sử đấu tranh bảo vệ An ninh Tổ quốc, Kế hoạch CM-12 là một trong những chiến công xuất sắc nhất và đáng tự hào của lực lượng Công an nhân dân. Thắng lợi của Kế hoạch CM-12 là thắng lợi của trí tuệ, bản lĩnh và sự sáng tạo của Công an nhân dân Việt Nam.

Leave Comments

0394.411.939
0394411939