Nâng cao Văn hóa ứng xử của người CAND là yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao ý thức chấp hành nghiêm điều lệnh, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa cho mỗi cán bộ, chiến sỹ, góp phần xây dựng lực lượng công an ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay.
Văn hóa ứng xử trong lực lượng Công an nhân dânlà hệ thống giá trị chi phối nhận thức, thái độ, hành vi ứng xử của cá nhân, tổ chức(cơ quan) công an trong các mối quan hệ giữa con người với tự nhiên, vớixã hội và với chính bản thân, phản ánh trình độ phát triển của Công an nhân dân cách mạng, đáp ứng yêu cầu phát triểncủa xã hội.
Nhận thức tầm quan trọng của văn hóa ứng xử trong lực lượng công an nhân dân, ngày 26-10-2016, Bộ Công an đã ban hành Chỉ thị số 07 Về tăng cường lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong tình hình mới. Chỉ thị yêu cầu lực lượng Công an nhân dân (CAND) nâng cao ý thức chấp hành nghiêm điều lệnh, rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, xây dựng nếp sống văn hóa cho mỗi cán bộ chiến sỹ, góp phần xây dựng lực lượng công an ngày càng trong sạch, vững mạnh.
Nâng cao văn hóa ứng xử trong CAND là nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ chiến sỹ về tác phong làm việc, về tính nhân văn trong các hoạt động nghiệp vụ, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, nâng cao đạo đức cách mạng, đẩy lùi sự suy thoái về đạo đức, lối sống…Từ đó, giúp cán bộ chiến sỹ vận dụng ứng xử trong công tác, sinh hoạt hàng ngày để hướng tới mục đích lớn nhất là phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.
Văn hóa Công an nhân dân Việt Nam là văn hóa của một chủ thể, lực lượng xã hội trực tiếp quản lý nhà nước theo nhiệm vụ, quyền hạn, trong tổ chức các hoạt động cụ thể đều phải tiến hành trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Văn hóa cá nhân, văn hóa nhân cách thể hiện trong ứng xử của người công an nhân dân cũng chịu sự chi phối của đặc trưng này.
Khi xây dựng và thực hành Văn hóa ứng xử Công an nhân dân, trước hết phải trên cơ sở nhận thức Văn hóa ứng xử Công an nhân dân theo nghĩa rộng – hệ giá trị của văn hóa ứng xử mang tính đặc thù của ngành, đặc biệt làm cơ sở cho việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng CAND. Đối với các tổ chức, đơn vị cụ thể của ngành, văn hóa ứng xử phải được thể hiện qua hệ thống những quy định, nguyên tắc, chuẩn mực cụ thể, gắn với từng đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể.
Văn hóa ứng xử của lực lượng CAND được thể hiện thông qua lời nói và hành động cụ thể, văn hóa ứng xử CAND còn được quy định rõ ràng thành quy tắc, điều lệnh của CAND.
Với nhiều quyền hạn được pháp luật cho phép để thực hiện nghĩa vụ gìn giữ trật tự xã hội, ngăn chặn các hành vi phạm pháp, lực lượng Công an nhân dân cũng phải tuân theo những chuẩn mực ứng xử phù hợp để tránh các hành vi lạm dụng các quyền hạn được cho phép.
Các chuẩn mực ứng xử này được quy định tại Thông tư 17/2012/TT-BCA quy định về Điều lệnh nội vụ Công an nhân dân.
Thông tư này được áp dụng đối với đơn vị công an; sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ phục vụ có thời hạn, học sinh, sinh viên các học viện, nhà trường, công nhân, viên chức Công an nhân dân (sau đây gọi chung là cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân).
Điểu 38, 39, 40, 41, 42 của Thông tư này đã quy định rõ về những bắt buộc đối với quá trình ứng xử, giao tiếp của CAND, đó cũng chính là những biểu hiện của văn hóa trong ứng xử CAND.
Điểu 38, Thông tư quy định cụ thể cách xưng hô khi giao tiếp trong lực lượng CAND, xưng hô khi giao tiếp với người ngoài lực lượng CAND, khi giao tiếp với người nước ngoài. Cụ thể:
Xưng hô khi giao tiếp trong lực lượng Công an nhân dân: Khi làm việc, hội họp, học tập, sinh hoạt tập thể, cán bộ, chiến sĩ xưng hô với nhau bằng “đồng chí” và “tôi”, sau tiếng “đồng chí” có thể gọi cấp bậc, họ tên, chức vụ của người mình tiếp xúc; đối với cấp trên có thể gọi là “thủ trưởng”. Trong các học viện, nhà trường Công an nhân dân, ngoài việc xưng hô như trên, giáo viên, học sinh, sinh viên có thể xưng hô bằng “thầy”, “cô” và “em”; Ngoài giờ làm việc, hội họp, học tập, sinh hoạt tập thể, cán bộ, chiến sĩ xưng hô với nhau sao cho phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam; Khi nghe gọi tên mình thì trả lời “có”, nhận lệnh hoặc trao đổi xong công việc thì trả lời “rõ”, chưa rõ phải hỏi lại.
Xưng hô khi giao tiếp với người ngoài lực lượng Công an nhân dân: Khi làm việc và quan hệ công tác với cán bộ và nhân dân thì tùy từng trường hợp cụ thể để gọi bằng “đồng chí” và xưng “tôi”; hoặc tùy theo lứa tuổi để xưng hô sao cho phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam: Khi giao tiếp với người nước ngoài thì tùy theo quan hệ ngoại giao của Việt Nam với quốc gia, tổ chức quốc tế khách đến thăm để gọi là “đồng chí” hoặc “ngài”, “ông”, “bà”, “vương hiệu”, “tước hiệu” và xưng “tôi” cho phù hợp; Khi giao tiếp với người vi phạm pháp luật thì đối với phạm nhân, trại viên gọi là “anh”, “chị” và xưng “tôi”; Các trường hợp khác, tùy theo lứa tuổi, xưng hô sao cho phù hợp với phong tục, truyền thống văn hóa Việt Nam.
Điều 39 của Thông tư quy định cách ứng xử của CAND khi giao tiếp trong lực lượng Công an nhân dânđó là: Khi giao tiếp, ứng xử phải thể hiện văn minh, lịch sự, xưng hô theo quy định của điều lệnh, giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; Trước khi vào phòng làm việc của người khác phải gõ cửa, được sự đồng ý mới vào. Cấp dưới xin gặp cấp trên phải nêu rõ lý do, cấp trên đồng ý mới được gặp; khi gặp không mang theo vũ khí, công cụ hỗ trợ; khi tiếp xúc với cấp trên, cấp dưới không tự động bắt tay trước hoặc tự ý kéo ghế ngồi; phải chào cấp trên trước khi ra về; Khi gặp cấp dưới, cấp trên phải tỏ thái độ ân cần, lắng nghe để xem xét, giải quyết những đề nghị chính đáng của cấp dưới.
Điều 40 của Thông tư quy định cách ứng xử của CAND khi giao tiếp với nhân dânđó là:Khi tiếp xúc, giải quyết công việc với nhân dân, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải thể hiện thái độ ứng xử có văn hóa, tôn trọng, khiêm tốn, bình tĩnh, tận tình, chu đáo; thực hiện theo đúng quy định của Nhà nước, của Ngành; nêu cao tinh thần trách nhiệm, không gây khó khăn, phiền hà với nhân dân; Khi ăn ở, sinh hoạt tại nhà dân, phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; tôn trọng nếp sống của gia đình, phong tục tập quán của địa phương và làm tốt công tác dân vận; Khi sinh hoạt ở gia đình, nơi cư trú và những nơi khác, phải gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; đoàn kết với nhân dân nơi cư trú; trong quan hệ gia đình phải hiếu thảo, bình đẳng, hòa thuận, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa.
Điều 41 của Thông tư quy định cách ứng xử của CAND khi tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật.Khi tiếp xúc với các đối tượng vi phạm pháp luật, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giữ đúng tư thế, lễ tiết, tác phong; có thái độ ứng xử đúng mực; không có lời nói, hành vi xúc phạm, phân biệt đối xử với người vi phạm.
Điều 42 của Thông tư quy định cách ứng xử của CAND khi giao tiếp qua các phương tiện thông tin. Khi giao tiếp qua các phương tiện thông tin, cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải giới thiệu tên và đơn vị của mình; ngôn ngữ giao tiếp phải đúng mực, lịch sự, rõ ràng, mạch lạc; không nói tục, không dùng từ “lóng”. Nội dung trao đổi ngắn gọn, tập trung vào công việc; không tiện trả lời thì nói lời xin lỗi, không đột ngột ngắt cuộc trao đổi; phải giữ bí mật khi trao đổi với người không có trách nhiệm; kết thúc cuộc trao đổi bằng lời chào hoặc cảm ơn.
Đó là những quy tắc trong ứng xử mà CAND phải thực hiện trong quá trình giao tiếp, ứng xử của mình. Dù trong bất của hoàn cảnh nào, với các đối tượng nào thì CAND cũng cần có những cách ứng xử giao tiếp cho phù hợp, cho có văn hóa. Bên cạnh đó, văn hóa ứng xử của người chiến sĩ CAND phải gắn với từng hành động, việc làm cụ thể từ việc chấp hành chỉ thị, mệnh lệnh, quy trình, quy chế công tác đến sử dụng trang phục CAND, xây dựng tư thế, lễ tiết tác phong, tinh thần, thái độ làm việc…
2. Nâng cao văn hóa ứng xử của người CAND theo tư tưởng Hồ Chí Minh
Ngay từ khi chính quyền cách mạng mới ra đời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ bản chất cách mạng của Công an nhân dân: “Công an nhân dân hoàn toàn khác Công an đế quốc. Công an đế quốc là nanh vuốt của đế quốc để hà hiếp áp bức đa số nhân dân… Công an nhân dân phải là kiểu mẫu, phải là người chuyên trách thi hành chính sách, phương châm của Đảng, Chính phủ cho tốt. Công an nhân dân phải thực sự phục vụ nhân dân”(1); Người nhấn mạnh: “Mỗi người công an phải là một chiến sĩ… Tôi mong rằng toàn thể Công an sẽ cố gắng thi đua để lập công trong cuộc thắng lợi chung”(2).
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến phầm chất của người chiến sĩ công an, và để giữ vững được những phẩm chất quý báu ấy, người chiến sĩ công an cũng cần thể hiện trong cách ứng xử, giao tiếp, đặc biệt là với nhân dân, làm sao “Phải gần gũi nhân dân, dựa vào lực lượng của nhân dân, xa rời nhân dân thì tài tình mấy cũng không làm gì được”(3). Đồng thời, Người dặn dò cán bộ, chiến sĩ công an: “Làm công an không phải làm “quan cách mạng”. Làm công an là để giữ trật tự, an ninh cho nhân dân, xem xét tìm tòi âm mưu phản động làm hại nhân dân”(4); Người dạy: Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo. Đó là cách ứng xử có văn hóa cần thiết đối với mỗi người chiến sĩ công an.
Đại đa số CBCS Công an có lập trường tư tưởng vững vàng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; tận tụy, trách nhiệm với công việc; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, lành mạnh; chấp hành nghiêm kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh, giao tiếp ứng xử có văn hóa, đã góp phần xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đùm bọc giúp đỡ của nhân dân, lực lượng Công an nhân dân luôn có bản lĩnh chính tri vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, chiến đấu ngoan cường trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn gian khổ, lập được nhiều chiến công xứng đáng với sự tin yêu của Đảng và nhân dân. Trong cuộc sống đời thường có những hình ảnh, việc làm hết sức bình thường, giản dị nhưng đã toát lên được vẻ đẹp của người chiến sĩ CAND trong văn hóa ứng xử như: hình ảnh người chiến sĩ CAND giúp dân trong bão lũ, trong đấu tranh phòng chống tội phạm…
Hiện nay, đất nước ta đang đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta phải đối mặt với những mặt trái của cơ chế thị trường, cái xấu đã và đang tác động đến nhận thức, lối sống, làm cho nhiều chuẩn mực đạo đức xã hội bị đảo lộn, xuống cấp. Một bộ phận cán bộ, chiến sĩ CAND thiếu tu dưỡng rèn luyện, sa sút phẩm chất đạo đức, thoái hóa biến chất, vi phạm kỷ luật tham ô, nhận hối lộ, nhũng nhiễu, cửa quyền, hách dịch với nhân dân, có thái độ, cử chỉ lời nói không đúng mực để người dân phê phán, gây ra phản ứng của dư luận xã hội và quần chúng nhân dân.
Trong công tác điều tra giải quyết các vụ việc, không ít cán bộ chiến sĩ CAND có thái độ, cử chỉ, lời nói thiếu khiếm nhã, không đúng mực, quá trình giải quyết công việc còn cứng nhắc để nhân dân phải đi lại nhiều lần trong khi có thể linh động giải quyết sớm cho họ. Có những sự việc còn gây bức xúc trong quần chúng, làm giảm sút lòng tin của nhân dân với ngành Công an.
Đó là những biểu hiện của một lối sống, một phong cách làm việc thiếu văn hóa, không phù hợp với thuần phong mỹ tục và truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ chống lại lực lượng CAND trong khi thi hành nhiệm vụ thời gian qua.
Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức và thực hành văn hóa ứng xử trong lực lượng CAND là việc làm cần thiết nhằm tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân và toàn xã hội đối với CAND.
Nâng cao văn hóa ứng xử trong lực lượng CAND là yêu cầu, nhiệm vụ thường xuyên, đặc biệt quan trọng đối với thực hiện nhiệm vụ bồi dưỡng, giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân trong tình hình mới.
Về nhận thức: Nâng cao nhận thức về vai trò của việc xây dựng, thực hành Văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong giai đoạn hiện nay là góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, con người trong lực lượng CAND. Việc ứng xử có văn hóa không chỉ tạo nên nét đẹp cho từng cá nhân người CAND, mà còn phản ánh bản sắc văn hóa của ngành.
Xây dựng văn hóa ứng xử cho cán bộ, chiến sỹ công an trong tình hình mới là vấn đề có tính cấp thiết. Đề tài khoa học của Bộ Công an về “Văn hóa ứng xử trong Công an nhân dân” trên cơ sở tổng kết thực tiễn, đề tài đã xây dựng các giải pháp tiếp tục đổi mới và nâng cao văn hóa ứng xử trong CAND, đặc biệt là hình thành cơ sở khoa học phục vụ Bộ Công an xây dựng “Bộ quy tắc ứng xử trong CAND Việt Nam”. Đề tài đang được nghiên cứu ứng dụng phục vụ hoạt động giảng dạy trong các nhà trường, học viện thuộc lực lượng Công an, nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng văn hóa ứng xử cán bộ, chiến sĩ CAND trong tình hình mới, đồng thời tổ chức giảng dạy trong cán bộ, chiến sĩ, học viên…”(5).
Về thực hiện: Lãnh đạo tổ chức thực hiện Chỉ thị 07 của Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường lãnh đạo nâng cao văn hóa ứng xử Công an nhân dân trong tình hình mới. Theo đó, cần quán triệt và thực hiện(6):
– Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, tính nêu gương của cấp ủy, thủ trưởng các cấp; gắn xây dựng văn hóa ứng xử với xây dựng, phát triển văn hóa, con người, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
– Tiếp tục nghiên cứu xây dựng Bộ quy tắc văn hóa ứng xử Công an nhân dân. Thường xuyên đưa nội dung giáo dục văn hóa ứng xử vào nội dung các hoạt động sinh hoạt sinh hoạt chính trị, giáo dục truyền thống….
– Nghiên cứu, bổ sung nội dung giáo dục về văn hóa ứng xử và kỹ năng giao tiếp vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các nhà trường CAND
– Tăng cường phối hợp với các cơ quan, ban ngành để tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ và tham gia giám sát, đóng góp ý kiến từ các đoàn thể và nhân dân.
-Đẩy mạnh công tác truyền thông về thực hiện nhiệm vụ xây dựng Văn hóa ứng xử Công an nhân dân
– Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm văn hóa ứng xử.
Để nâng cao văn hóa ứng xử của lực lượng CAND hiện nay, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, cấp ủy, thủ trưởng Công an các cấp cần thường xuyên quan tâm, giáo dục, động viên cán bộ chiến sĩ, đồng thời tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra chấn chỉnh về tư thế, lễ tiết, tác phong của cán bộ, chiến sĩ khi tiếp xúc làm việc với nhân dân. Việc chấn chỉnh phải được thực hiện cụ thể bắt đầu từ ăn mặc, nói năng, đi đứng, tư thế, tác phong đến thái độ, ý thức trách nhiệm trước công việc của cán bộ chiến sĩ CAND.
Thứ hai, phối hợp với Công an các địa phương và các trường Công an nhân dân thường xuyên tổ chức các đợt tập huấn về văn hóa ứng xử và giao tiếp của lực lượng CAND cho cán bộ, chiến sĩ công an. Qua đợt tập huấn sẽ giúp lực lượng CAND lựa chọn phương pháp kỹ năng ứng xử cơ bản, phù hợp đạt được mục tiêu, yêu cầu công tác của CAND.
Thứ ba, các trường Công an nhân dân cần phải giáo dục và hướng dẫn cho học viên về văn hóa ứng xử và giao tiếp của lực lượng CAND ở từng môn học, để khi tốt nghiệp ra trường các em sẽ có những kiến thức cơ bản về văn hóa ứng xử và giao tiếp để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Thứ tư, xử lý nghiêm những cán bộ chiến sĩ CAND thoái hóa biến chất, vi phạm đạo đức nghề nghiệp qua đó sẽ răn đe, giáo dục cho cán bộ chiến sĩ khác và loại trừ ra khỏi lực lượng những cán bộ chiến sĩ không đủ tiêu chuẩn.
Thứ năm, lực lượng Công an cần thực hiện tốt phong trào học tập, thực hiện nghiêm túc 6 điều Bác Hồ dạy, hưởng ứng các cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh – Công an nhân dân vì nước quyên thân vì dân phục vụ”; “Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ”. Đây là điều kiện thuận lợi để mỗi cán bộ chiến sĩ CAND có thêm vốn kiến thức văn hóa ứng xử, từng bước nâng cao nhận thức, bản lĩnh chính trị, tinh thần trách nhiệm và ý thức tận tụy phục vụ nhân dân.
Xây dựng và thực hiện Văn hóa ứng xử CAND là nhiệm vụ cấp thiết để phát triển lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong giai đoạn hiện nay.
_____________
(1), (2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 365, 10.
(3) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr. 119
(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.6, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.365.
(5) Nguồn: http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Xay-dung-van-hoa-ung-xu-can-bo…22/1/2016
(6) Tạp chí Cảnh sát nhân dân (http://csnd.vn/Home/Nghien-cuu-Trao-doi/2045/Tang-cuong-…1/11/2016)
Hoàng Thị Hương Trà – Trường Cao đẳng Cảnh sát nhân dân 1
Nguồn: Tạp chí Lý luận chính trị