Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân lên nước Nga Xô viết ngày 30-6-1923 và ở lại đây đến khoảng đầu tháng 10-1924. Sau nước Pháp, nước Nga Xô viết là chặng đường quan trọng thứ hai để Nguyễn Ái Quốc hoàn thiện và củng cố vững chắc hơn những luận điểm cơ bản về con đường giải phóng cho dân tộc Việt Nam.
Điểm đến thứ hai có chủ đích rõ ràng nhất của Nguyễn Ái Quốc
Khi Nguyễn Ái Quốc trở lại Pháp, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã thành công. Nguyễn Ái Quốc đã nhận thấy đây là một biến cố lớn trong lịch sử cách mạng thế giới – lần đầu tiên nhân dân lao động có chính quyền của mình. Sự kiện lịch sử này đã có một sức lôi cuốn mạnh mẽ với Người.
Sau khi đọc “Sơ thảo lần thứ nhất Những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V.I. Lê-nin (đăng trên báo L’Humanité (Nhân đạo) hai số liên liếp ngày 16 và ngày 17- 6-1920), Nguyễn Ái Quốc đã có được lời giải đáp cho câu hỏi trăn trở hàng chục năm qua của mình. Người đã thấy được cái cần thiết cho dân tộc Việt Nam – con đường giải phóng dân tộc theo tư tưởng cách mạng của Lênin. Nguyễn Ái Quốc đã tìm thấy nguồn sức mạnh, chỗ dựa và sự ủng hộ (trước hết về mặt lý luận, tinh thần) để vươn tới cái đích của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Trong nửa cuối năm 1920, Người đã “xông vào các cuộc tranh luận” (như sau này Hồ Chí Minh kể lại) với sự giúp đỡ của các đồng chí trong Đảng Xã hội Pháp, dần dần Nguyễn Ái Quốc đã có được những nhận thức cơ bản về chủ nghĩa Mác – Lênin. Vấn đề đặt ra là: Con đường Cách mạng Tháng Mười, con đường cách mạng của Lênin phải được vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, một nước thuộc địa – phong kiến, như thế nào ? Câu hỏi (cần được trả lời thấu đáo) đó đã dẫn đến quyết định quan trọng tiếp theo của Nguyễn Ái Quốc: Tìm cách đến nước Nga Xô viết, hoạt động trong phong trào Cộng sản quốc tế, kêu gọi mọi sự hỗ trợ cho cuộc cách mạng giải phóng ở các thuộc địa.
Những hoạt động sôi nổi của Nguyễn Ái Quốc với tư cách đại biểu của Đông Dương trong Đảng Cộng sản Pháp đã gây được sự chú ý với D. Manuilsky – một lãnh đạo của Quốc tế Cộng sản (QTCS) khi đó – và ông đã “mở đường” cho nhà cách mạng châu Á đến Liên Xô dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân dự định sẽ diễn ra cuối mùa hè năm 1923.
Bước ngoặt trở thành nhà cách mạng “chuyên nghiệp”
Nguyễn Ái Quốc đã dự Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Nông dân, khai mạc ngày 10-10-1923 và phát biểu tại hai phiên họp (phiên thứ nhất, ngày 10-10 và phiên thứ 7, ngày 13-10). Nguyễn Ái Quốc được bầu vào Đoàn Chủ tịch Quốc tế Nông dân gồm 11 ủy viên. Trong năm 1924, ngoài việc tham dự sự kiện lớn là Đại hội lần thứ V QTCS (6-1924), Nguyễn Ái Quốc còn dự Đại hội lần thứ IV Quốc tế Cộng sản Thanh niên (6-1924), Đại hội lần thứ nhất Quốc tế Cứu tế Đỏ (7-1924), Đại hội lần thứ ba Quốc tế Công hội Đỏ (7-1924), dự mit-tinh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động (1-5), dự mit-tinh vì hòa bình thế giới (ngày 6-7-1924) tại Quảng trường Đỏ… Những bài viết của Người cũng xuất hiện thường xuyên trên nhiều báo và tạp chí: Inprekorr, L’ Humanite’, Le Paria, Rabotnhitsha, Pravda, La Vie Ouvriere… Nguyễn Ái Quốc đã hòa nhập nhanh chóng trong môi trường mới và Người đã tranh thủ tận dụng tối đa những cơ hội mình có. Trên tất cả các diễn đàn, Nguyễn Ái Quốc kêu gọi sự chú ý ủng hộ (thiết thực) của những người cộng sản ở “chính quốc” cho phong trào giải phóng ở các thuộc địa. Không chỉ bày tỏ những quan điểm mạnh mẽ về vấn đề thuộc địa (bằng cả lý trí và tình cảm – như nhà thơ O-xip Man-den-xtam đã miêu tả trong một bài báo của mình), tháng 1-1924, người ta còn thấy Nguyễn Ái Quốc, với đôi bàn tay và mặt sưng đỏ vì lạnh, đến viếng và đưa tang V.I. Lênin trong những ngày giá buốt nhất của mùa đông Mátxcơva. Tình cảm của Người với Lênin dồn nén trong những bài viết ca ngợi vị lãnh tụ của Cách mạng Tháng Mười Nga như một người thầy cách mạng vĩ đại của nhân dân các nước thuộc địa và là một tấm gương đạo đức cao cả. Một bài xuất sắc trong số đó sau này được đánh giá như một “thành tựu báo chí” của Nguyễn Ái Quốc trong lần đầu đến Liên Xô là “Lênin và các dân tộc phương Đông” (đăng báo Le Paria số 27, tháng 7-1924). Cho đến cuối đời, tình cảm của Hồ Chí Minh với Lênin và đất nước của Lênin vẫn không hề thay đổi.
Trong 14 tháng ở Mátxcơva, Nguyễn Ái Quốc đã tranh thủ thời gian để củng cố và thiết lập thêm nhiều mối quan hệ của mình với những người cộng sản thế giới, với Quốc tế Cộng sản, tranh thủ học khóa ngắn hạn tại trường Đại học Cộng sản Phương Đông. Dù được hoạt động trong một môi trường tốt, được phát biểu trên nhiều diễn đàn, được gặp gỡ nhiều nhân vật khá quan trọng trong phong trào cộng sản quốc tế lúc đó, song tâm nguyện của Nguyễn Ái Quốc không phải là ở lại Liên Xô lâu dài. Đích đến (hay trở về) tiếp theo của Người là phong trào cách mạng ở Việt Nam.
Ngày 11-11-1924, Nguyễn Ái Quốc đến Quảng Châu, và chỉ một thời gian ngắn sau Người đã mở được các lớp huấn luyện cán bộ. Mong muốn thiết thực của Người khi quyết tâm ra đi từ Sài Gòn hơn 13 năm trước: “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta” (2) đã bước đầu được thực hiện thành công. Trong hơn mười năm đó, vấn đề lớn (câu hỏi) đặt ra và đã được Nguyễn Ái Quốc (trả lời) giải quyết thành công là: Cần phải đi theo con đường (thành công) của Cách mạng Tháng Mười Nga, con đường cách mạng của Lênin và Để giải phóng các dân tộc bị áp bức phải vận dụng con đường đó như thế nào trong thực tiễn cách mạng ở Việt Nam, một nước thuộc địa – phong kiến ở phương Đông. Những câu trả lời đã được thể hiện rõ trong Đường Kách mệnh – như một “giáo án” cách mạng được Người truyền đạt cho đội ngũ cán bộ trung kiên ở Quảng Châu. Những gì thu nhận được ở Liên Xô những năm 1923 – 1924 là tiền đề quan trọng để có bước đi quan trọng tiếp theo của Nguyễn Ái Quốc trên hành trình cứu nước của mình../.
(1) Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử, Tập 1, Nxb CTQG, Hà Nội, 2006, tr 290
(2) Trần Dân Tiên – Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ Tịch – Nxb Thanh niên, Hà Nội, 1994, tr 13