Tín hiệu đầu của trận đánh lớn

Ngày 11/1/1981, Công an tỉnh Tà Keo (Campuchia) trao đổi cho chúng ta biết có một tên Khmer Đỏ ra đầu thú khai báo rằng y có tham gia dẫn một toán người Việt Nam từ nước ngoài đi qua Campuchia để xâm nhập  về hoạt động chống Việt Nam. Tin này được báo cáo ngay cho đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng, các đồng chí Thứ trưởng Viễn Chi, Cao Đăng Chiếm và đồng chí Huỳnh Thanh Việt (Mười Việt), Giám đốc Công an tỉnh An Giang, địa phương có biên giới giáp tỉnh Tà Keo.
Nguồn tin cho biết: “Một tên Khmer Đỏ tên là Săm Sua đã ra đầu thú chính quyền cách mạng Campuchia tại Tà Keo. Y khai có tham gia dẫn đường cho 23 tên gián điệp biệt kích xâm nhập về Việt Nam”.
bit kch 3
Các toán biệt kích tại căn cứ huấn luyện.
Thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, được sự đồng ý của chính quyền Campuchia, đồng chí Huỳnh Thanh Việt, Giám đốc Công an tỉnh An Giang và một số cán bộ an ninh là đồng chí Trần Văn Lệnh, Trưởng phòng Chấp pháp và đồng chí Huỳnh Hữu Chiến, Trưởng phòng Tổng hợp (hiện đồng chí Huỳnh Hữu Chiến là Thiếu tướng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh) ngay lập tức lên đường sang Tà Keo, Campuchia. Qua trực tiếp xét hỏi tên Săm Sua, đoàn Công an An Giang nhận thấy khả năng là tên Săm Sua đã khai báo thật. Ngày 12/1/1981, đồng chí Mười Việt đã báo cáo cho lãnh đạo Bộ nhận định về việc có một toán gián điệp biệt kích mang vũ khí, điện đài xâm nhập Việt Nam.
Tiếp đó, ngày 13/1, Công an Kiên Giang điện báo cáo lãnh đạo Bộ Nội vụ biết về việc có một toán gián điệp, biệt kích xâm nhập. Theo báo cáo của Công an Kiên Giang, ngày 8/1/1981, bộ đội làm kinh tế ở Bình Sơn (Kiên Giang) bắn chết 1 tên gián điệp, biệt kích từ nước ngoài xâm nhập về Việt Nam.
Qua nguồn tin của quần chúng phát hiện, Công an Kiên Giang đã thu được 12 súng AK báng gấp, 7 quả lựu đạn, 2 tay quay máy phát điện dùng cho điện đài và một số quân trang, quân dụng. Đáng chú ý là có một số phù hiệu đề là “Mặt trận quốc gia thống nhất giải phóng Việt Nam”… Có dấu hiệu đây là một tổ chức phản cách mạng đưa quân xâm nhập vào Việt Nam.
Ngày 15/1/1981, đồng chí Phạm Hùng đã điện chỉ thị cho đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm tổ chức xác minh, khai thác và truy bắt cho hết bọn xâm nhập. Đồng thời, tin này còn được thông báo cho các Cục nghiệp vụ kiểm tra.
Báo cáo của lực lượng trinh sát kỹ thuật cũng phù hợp với những diễn biến toán gián điệp biệt kích xâm nhập trong thời gian cuối năm 1980.
Đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm trực tiếp đi miền Tây để chỉ đạo tại hiện trường. Các đơn vị nghiệp vụ an ninh của Bộ cũng được huy động tham gia, phối hợp cùng với công an các địa phương điều tra, truy bắt bọn xâm nhập. Các biện pháp nghiệp vụ trinh sát, điều tra được sử dụng. Chính vì vậy, chỉ ít ngày sau khi bọn địch xâm nhập bị phát hiện, công tác truy bắt đã có sự chỉ đạo thống nhất của lãnh đạo Bộ.
Chỉ trong vòng một thời gian tương đối ngắn, với sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ mà trực tiếp là đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng và đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm, các Cục nghiệp vụ an ninh và công an các địa phương Nam Bộ đã nhanh chóng phối hợp truy bắt và khai thác bọn gián điệp biệt kích xâm nhập.
Trong khi đang khẩn trương triển khai công tác truy bắt bọn gián điệp biệt kích xâm nhập, thì Công an Kiên Giang báo cáo là đã bắt giữ được 1 tên trong bọn chúng. Ngày 18/1/1981, Trần Minh Hiếu sau khi được lệnh của toán trưởng cho phân tán, y về quê ở An Biên. Sau một thời gian biền biệt không được tin gì kể từ ngày Hiếu vượt biên, nay thấy con trở về, mẹ của Hiếu vừa mừng lại vừa lo.
Hiếu nói thật cho mẹ biết về việc tại sao y lại trở về Việt Nam. Ông cậu ruột của Hiếu làm việc ở Tỉnh đội Kiên Giang biết được chuyện của Hiếu và động viên anh ta ra đầu thú công an. Trong khi Hiếu đang lừng chừng vì sợ thì người cậu của Hiếu đã báo cho công an địa phương biết. Công an Kiên Giang ngay lập tức bắt giữ Trần Minh Hiếu và khai thác.
Được công an động viên, giáo dục và thuyết phục, Trần Minh Hiếu đã khai nhận là một trong số 23 tên gián điệp biệt kích của tổ chức “Mặt trận thống nhất các lực lượng yêu nước giải phóng Việt Nam” của Lê Quốc Túy – Mai Văn Hạnh. Hiếu đã khai quá trình xâm nhập của toán gián điệp.
Qua lời khai của Hiếu, ta biết chúng sẽ gặp nhau vào ngày 15 và 30 hàng tháng ở  bến Ninh Kiều (Cần Thơ). Hiếu cũng khai nơi ẩn náu của tên toán trưởng Lê Hồng Dự. Công an Kiên Giang và Công an Hậu Giang đã tổ chức bắt giữ Lê Hồng Dự tại Cần Thơ. Qua các buổi xét hỏi, Lê Hồng Dự khai báo quá trình xâm nhập của y và những hiểu biết của y về tổ chức phản cách mạng của Lê Quốc Túy – Mai Văn Hạnh. Những lời khai này khớp với lời khai của Trần Minh Hiếu.
Qua lời khai của Lê Hồng Dự và Trần Minh Hiếu, bước đầu chúng ta đã xác định đây là một tổ chức phản cách mạng do Lê Quốc Túy và Mai Văn Hạnh cầm đầu có cơ sở hoạt động ở nước ngoài.
Để tiến hành đấu tranh với tổ chức này, về mặt tổ chức chỉ đạo, trên cơ sở tính chất, phạm vi hoạt động khá phức tạp và rộng của bọn Lê Quốc Túy – Mai Văn Hạnh, lãnh đạo Bộ nhất trí với đề xuất của Tổ An ninh là thành lập Ban chuyên án do đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm chỉ đạo và K4/2 trực tiếp thực hiện.
Chỉ vài ngày sau, đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để trực tiếp chỉ đạo đấu tranh với vụ án này. Đồng chí Bộ trưởng Phạm Hùng đã yêu cầu đồng chí Thứ trưởng Cao Đăng Chiếm triệu tập ngay một cuộc họp để bàn biện pháp, kế hoạch đấu tranh với vụ án này tại TP Hồ Chí Minh

Leave Comments

0394.411.939
0394411939