Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân

Trong hệ thống quan điểm của tư tưởng Hồ Chí Minh có tư tưởng về xây dựng Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Hồ Chí Minh đã tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin, tìm thấy ở lý luận đó những giá trị phổ biến có tính quy luật và phương pháp luận khoa học, để vận dụng và phát triển sáng tạo.

Người kế thừa di sản truyền thống của dân tộc và với 30 năm hoạt động ở nước ngoài tiếp cận nhiều nền văn hóa, văn minh của nhân loại, phát triển nhận thức cùng thời đại.

Có thể nhận thức tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân trên những nội dung cơ bản.

Một là, đó là Nhà nước do Đảng Cộng sản lãnh đạo về mọi mặt. Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện, đã lãnh đạo toàn bộ sự nghiệp đấu tranh giành và bảo vệ chính quyền nhà nước. Trong chính sách đối nội và đối ngoại Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối của Đảng. Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng đối với Nhà nước ngày càng được làm rõ cả về nội dung và phương thức và bảo đảm giữ vững bản chất cách mạng và tính dân chủ thực chất của Nhà nước.

Hai là, bộ máy nhà nước từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở do chính Nhân dân xây dựng nên thông qua bầu cử dân chủ theo chế độ phổ thông đầu phiếu. Bộ máy đó đại diện cho tất cả các giai tầng trong xã hội đại biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Nhân dân làm chủ đất nước và xã hội, mọi quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân, chú trọng hoàn thiện chính sách và hệ thống pháp luật, đặc biệt là Hiến pháp dân chủ. Đó là Nhà nước dân chủ nhân dân – hình thức tổ chức phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh Việt Nam.

Ba là, Nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức nhà nước là công bộc của Nhân dân, phục vụ Nhân dân, việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm, việc gì hại đến dân phải hết sức tránh. Nhà nước thực hiện dân chủ với Nhân dân đồng thời trấn áp những thế lực phản động làm hại đến lợi ích của đất nước và Nhân dân. Nhà nước chú trọng xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Nhân dân thực hiện tốt nhất nghĩa vụ và trách nhiệm công dân. Nhà nước loại bỏ khỏi bộ máy những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất.

Bốn là, Nhà nước thực hiện chính sách ngoại giao hòa bình, hữu nghị, hợp tác về mọi mặt, là bạn với các nước trên thế giới.

Hồ Chí Minh và Đảng đã xây dựng, củng cố và lãnh đạo Nhà nước cách mạng từ cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 theo tư tưởng Nhà nước thật sự của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. Các Đại hội Đảng toàn quốc từ 1996 đến nay đều tập trung lãnh đạo xây dựng Nhà nước pháp quyền ở Việt Nam. Thực tiễn xây dựng và hoạt động của Nhà nước theo pháp luật đã làm rõ được giá trị khoa học và yêu cầu tất yếu khách quan của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Thành tựu nổi bật là làm sáng tỏ những đặc trưng của Nhà nước pháp quyền Việt Nam.

Đặc trưng trước hết phải là Nhà nước của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, do Nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức.

Đặc trưng thứ hai là quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp.

Đặc trưng thứ ba: pháp luật chi phối mọi quan hệ trong đời sống xã hội, mọi người sống và hành động theo Hiến pháp và pháp luật, mọi tổ chức, cá nhân bình đẳng trước pháp luật, không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Đặc trưng thứ tư: các cơ quan, tổ chức trong bộ máy nhà nước và cả hệ thống chính trị được tổ chức và hoạt động theo đúng quy định của Hiến pháp và các luật.

Đặc trưng thứ năm: Nhà nước pháp quyền Việt Nam tuân thủ, thực hiện nghiêm chỉnh hệ thống pháp luật quốc tế với tư cách thành viên Liên hợp quốc, chấp hành đầy đủ các công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia và Việt Nam mong muốn tất cả các Nhà nước trên thế giới tôn trọng luật pháp quốc tế.

Đặc trưng thứ sáu: Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo.

Một thành tựu cần nhấn mạnh trong xây dựng và hoạt động của Nhà nước pháp quyền Việt Nam là không ngừng xây dựng hệ thống pháp luật toàn diện và đồng bộ với Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung 2001), Hiến pháp 2013 và pháp luật trên các lĩnh vực chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Xây dựng và phát huy vai trò của hệ thống luật pháp gắn liền với kiện toàn bộ máy nhà nước và chính quyền các cấp trong tổng thể xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính trị theo đường lối, chủ trương của Đảng. Xây dựng và vận hành hệ thống pháp luật gắn liền với cải cách nền hành chính quốc gia và cải cách tư pháp, nâng cao rõ rệt hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước, bảo đảm lợi ích của quốc gia, dân tộc và đời sống về mọi mặt của Nhân dân. Thành công về hoạt động lập pháp gắn liền với hành pháp và tư pháp phản ánh sự phát triển của khoa học pháp lý và lý luận về Nhà nước.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam gắn liền với thành tựu về nghiên cứu, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội trong thời kỳ mới của thời đại, góp phần rất quan trọng về lý luận Đảng Cộng sản cầm quyền. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011) đã xác định 8 đặc trưng của mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (Cương lĩnh 1991 là 6 đặc trưng). Một trong những đặc trưng được bổ sung từ thực tiễn đổi mới là: “có Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân do Đảng cộng sản lãnh đạo”. Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước và xã hội đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013. Điều 4 của Hiến pháp năm 2013 ghi rõ:

“1. Đảng Cộng sản Việt Nam – Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội.

2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình.

3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.

Mục đích cuối cùng của Nhà nước pháp quyền Việt Nam là vì độc lập thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc của Nhân dân. Trong công cuộc đổi mới do Đảng lãnh đạo, Nhà nước đã phấn đấu hết sức mình để phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt hơn dân chủ xã hội chủ nghĩa, chăm lo đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của Nhân dân. Nhà nước Việt Nam đã thực hiện tốt nhất 8 mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc năm 2000 vì cuộc sống của Nhân dân. Với các Chương trình 135 (1998), 134 (2004), 30a (2008) đã hỗ trợ các hộ nghèo, xã nghèo, huyện nghèo và hiện nay đang thực hiện Chương trình quốc gia giảm nghèo bền vững gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới. Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 năm 2020 càng thể hiện bản chất vì dân của Nhà nước khi Chính phủ coi chống dịch như chống giặc với mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe và tính mạng người dân. Vừa chống dịch vừa bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống mọi tầng lớp nhân dân, nhất là những người nghèo, yếu thế trong xã hội để không ai bị bỏ lại phía sau với gói chi 62.000 tỷ đồng hỗ trợ 7 nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nhà nước pháp quyền Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ, Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Với chính sách đó, Việt Nam đã thành công trong hội nhập quốc tế và tham gia vào quá trình toàn cầu hóa. Vị thế quốc tế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế. Dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, bằng chứng lịch sử và pháp lý, Việt Nam kiên quyết và kiên trì đấu tranh bằng giải pháp hòa bình, bảo vệ độc lập chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, biển đảo của Tổ quốc. Trong Diễn văn kỷ niệm 90 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02/1930 – 03/02/2020), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: “với những thành tựu to lớn đã đạt được chúng ta có cơ sở để khẳng định rằng, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”.

Trong sự phát triển, hoàn thiện của Nhà nước pháp quyền Việt Nam vẫn còn một số điểm cần chú trọng hơn. Bộ máy nhà nước và chính quyền các cấp vẫn còn nặng nề, cồng kềnh, biên chế quá lớn, chức năng, nhiệm vụ của không ít tổ chức còn chồng chéo, một việc nhiều cơ quan làm vì thế chất lượng, hiệu quả thấp. Cần sắp xếp lại tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế theo như Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 Hội nghị Trung ương lần thứ 6, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” đã đề ra. Trình độ hiểu biết pháp luật của cán bộ, công chức và công dân còn hạn chế dẫn đến công việc giải quyết chậm hoặc không đúng pháp luật. Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong Nhân dân hình thành văn hóa pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Kiên quyết chống quan liêu, xa dân, chống tham nhũng, lãng phí trong tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức, đồng thời nâng cao nhận thức của Nhân dân về quyền làm chủ, dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện. Giải quyết đúng đắn quan hệ giữa đề cao và giữ nghiêm pháp luật với giáo dục, bồi đắp những chuẩn mực đạo đức, ngăn chặn sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và sự xuống cấp về đạo đức trong xã hội. Nghị quyết Đại hội XII của Đảng nhấn mạnh:

“Trong tổ chức và hoạt động của Nhà nước, phải thực hiện dân chủ, tuân thủ các nguyên tắc pháp quyền và phải tạo ra sự chuyển biến tích cực, đạt kết quả cao hơn. Xây dựng Nhà nước pháp quyền phải tiến hành đồng bộ cả lập pháp, hành pháp, tư pháp và được tiến hành đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; gắn với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế bảo vệ Hiến pháp và pháp luật”./.

Leave Comments

0394.411.939
0394411939