Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đời sống

Năm 1947, trước khi viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” – một tác phẩm có giá trị lịch sử và ý nghĩa hiện thực to lớn đối với Đảng ta, nhân dân ta – Hồ Chí Minh đã viết cuốn “Đời sống mới”, cuốn sách mà Người mong rằng “đồng bào ta mỗi người có một quyển”, để xem, để hiểu, để thực hành đời sống mới”. Cuốn sách do Ủy ban Trung ương vận động Đời sống mới xuất bản năm 1947, nhân một năm phát động xây dựng đời sống mới. Mặc dù dung lượng cuốn sách chỉ có 17 trang, với 19 câu hỏi và trả lời, được Người viết đơn giản, dễ hiểu, nhưng đó là cả một vấn đề lớn, có giá trị cho đến tận hôm nay và ngày mai: là một quyền sách nhỏ, chỉ rõ từng bước đường đời sống mới. Vậy Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa đời sống là gì?

Giải thích cho câu hỏi: “Sao gọi là đời sống mới”, Người cho rằng “Đời sống mới không phải cái gì cũ cũng bỏ hết, không phải cái gì cũng làm mới”. Mà phải là: Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ…; Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý,…; Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm…; Cái gì mới mà hay, thì ta phải làm”.

Quan điểm xây dựng đời sống mới thực sự là quan điểm độc đáo của Hồ Chí Minh về văn hóa. Khái niệm đời sống mới bao gồm cả: đạo đức mới, lối sống mới và nếp sống mới, ba nội dung ấy có quan hệ mật thiết với nhau, trong đó đạo đức đóng vai trò chủ yếu.

Về đạo đức mới

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, thực hành đời sống mới trước hết là thực hành đạo đức cách mạng cần, kiệm, liêm, chính. Trong tác phẩm “Đời sống mới”, Hồ Chí Minh viết: “thực hành đời sống mới là Cần, Kiệm, Liêm, Chính”; “nêu cao và thực hành Cần, Kiệm, Liêm, Chính tức là nhen lửa cho đời sống mới”. Cũng phải nói rằng, Hồ Chí Minh không phải là người đầu tiên đưa ra những từ “cần, kiệm, liêm, chính”. Nhưng đến Hồ Chí Minh, những từ “cần, kiệm, liêm, chính” mới được Người thổi vào luồng sinh khí mới, tạo nên một chất mới, có ý nghĩa cách mạng. Người nói rằng, “Làm thế nào cho đời sống của dân ta, vật chất được đầy đủ hơn, tinh thần được vui mạnh hơn. Đó là mục đích của đời sống mới” . Cội nguồn mọi suy nghĩ và hành động của Người là luôn luôn vì dân.

 Về lối sống mới

Đó là lối sống có lý tưởng có đạo đức, văn minh, tiên tiến, thân thiện, công khai, minh bạch, đoàn kết yêu thương nhau, kết hợp hài hoà truyền thống tốt đẹp của dân tộc và tinh hoa văn hoá của nhân loại. Hồ Chí Minh cho rằng thực hiện lối sống mới là phải “sửa đổi những việc rất cần thiết, rất phổ thông, trong đời sống của mọi người, tức là sửa đổi cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc”. Năm cách phải sửa đổi: cách ăn, cách mặc, cách ở, cách đi lại, cách làm việc có nghĩa là nói về mặt văn hoá của ăn, mặc, ở,… Mặt văn hoá của ăn, măc, ở, … phụ thuộc vào lối sống có văn hoá hay không có văn hóa của con người. Vì thế, giáo dục lối sống, quản lý con người hiện nay là cần đi vào lối sống mới, cách sống theo thời kinh tế thị trường, như phải đáp ứng được định hướng xã hội chủ nghĩa và rèn luyện theo tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, có ý thức cộng đồng, có ý chí tự cường, thì những điều mong muốn về tương lai tốt đẹp của dân tộc mới đạt được.

Về nếp sống mới

Quá trình xây dựng lối sống mới làm cho nó dần dần trở thành thói quen ở mỗi người, thành phong tục tập quán của cả cộng đồng trong phạm vi địa phương hay cả nước gọi là nếp sống mới. Nếp sống mới phải kế thừa những truyền thống tốt đẹp, những thuần phong mỹ tục lâu đời của nhân dân ta. Cái gì cũ mà xấu thì bỏ. Cái gì cũ mà không xấu thì phải sửa đổi cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phát triển thêm. Cái gì mới mà hay thì phải làm.

Hồ Chí Minh cho rằng: “Nếu mọi người đều cố gắng làm đúng đời sống mới thì dân tộc nhất định sẽ phú cường”, “…nước Việt Nam ta trở nên một nước mới, một nước văn minh”.

Thực hiện lời kêu gọi của Người, phong trào xây dựng nếp sống mới đã được phát động rộng rãi trong quần chúng nhân dân, thực sự có hiệu qùà. Tiêu biểu như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đang thấm sâu vào từng người, từng gia đình, từng cộng đồng dân cư, làng, thôn, ấp, bản, sâu rộng cả nước, với sự tham gia của các bộ, ngành, tổ chức chính trị – xã hội và đoàn thể trở thành cuộc vận động văn hóa rộng lớn chưa từng có. Niềm tin của dân với Đảng ngày càng gắn bó. Thực hiện xây dựng nếp sống văn hóa và tham gia toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoa là thực hiện đúng theo Tư tưởng Hồ Chí Minh: “Chúng ta đồng tâm mà làm, quyết tâm mà làm thì đời sống mới nhất định thực hiện được. Mong toàn thể đồng bào gắng sức theo đời sống mới, xây dựng một nước Việt Nam phú cường”.

Trong điều kiện xã hội diễn biến ngày càng phức tạp, chúng ta càng tin tưởng rằng đời sống văn hóa cơ sở với nếp sống văn minh, lành mạnh, thiết chế văn hóa thông tin cơ sở hoàn chỉnh và môi trường văn hóa trong lãnh sẽ là nhân tố đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đi tới thành công. Xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và các nội dung mục tiêu đạt được sẽ trở thành pháo đài vững chắc trước các thế lực thù địch, đánh bại các biểu hiện phản văn hóa và chống lại các tệ nạn xã hội mà không một loại hình, phương thức hoạt động nào có thể thay thế hữu hiệu hơn./.

Leave Comments

0394.411.939
0394411939