Văn hóa, nghệ thuật không chỉ là mục tiêu của sự phát triển mà còn là động lực không thể thiếu được của một xã hội tiên tiến, văn minh, hiện đại. Trong thời đại ngày nay, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đang đặt ra yêu cầu cấp bách về xây dựng một nền văn hóa, nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Cùng với việc tạo ra những điều kiện mới, thuận lợi cho sự phát triển văn hóa, nghệ thuật thì cơ chế thị trường cũng có thể gây ra những hiệu ứng tiêu cực đối với sự phát triển của văn hóa, nghệ thuật. Vì vậy, việc nghiên cứu, vận dụng và phát triển tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, nghệ thuật cần phải đặt trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để tạo nên tác động, ảnh hưởng toàn diện đến sự phát triển của nền văn hóa, nghệ thuật mới ở Việt Nam.
Từ góc nhìn của những người làm văn hóa, theo chúng tôi, có thể thấy tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, nghệ thuật có một số nội dung cơ bản như sau:
1. Văn hóa, nghệ thuật Việt Nam mang đậm tính chất dân tộc và nội dung xã hội chủ nghĩa
Tư tưởng Hồ Chí Minh về văn hóa, nghệ thuật gắn với tính chất dân tộc ở nhiều góc độ khác nhau, thể hiện trong những cách diễn đạt có nội dung đa dạng, phong phú. Trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng tháng 2/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời, phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”(1). Ngày 24/10/1962, khi đến thăm triển lãm mỹ thuật toàn quốc, Người căn dặn các anh chị em họa sĩ: “nên phát huy cốt cách dân tộc”(2). Bên cạnh đó, theo Người: hình thức dân tộc cũng cần phải gắn liền với nội dung xã hội chủ nghĩa. Trong bài phát biểu tại Hội nghị đại biểu những người tích cực trong phong trào văn hóa quần chúng ngày 11/2/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh kết luận: “Nói tóm lại, để phục vụ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa thì văn hóa phải xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức”(3). Ngày 27/3/1964, tại Hội nghị chính trị đặc biệt bàn về tình hình khẩn cấp của đất nước, một lần nữa Người khẳng định về tính chất dân tộc và nội dung xã hội chủ nghĩa của văn hóa: “Đời sống văn hóa của quần chúng ngày thêm tiến bộ, nền văn học nghệ thuật với nội dung xã hội chủ nghĩa và tính chất dân tộc, ngày càng phát triển mạnh mẽ”(4). Trong cuộc gặp gỡ với Nhà văn Nga Rút Bécsátxki, Người cũng đã đề cập đến quy luật xây dựng nền văn hóa, nghệ thuật mới ở Việt Nam như sau: “Bây giờ giới trí thức sáng tác của chúng tôi đang đi theo con đường đúng đắn duy nhất xây dựng một nền văn học và nghệ thuật xã hội chủ nghĩa về nội dung và dân tộc về hình thức”(5).
Tính bền vững của đặc tính truyền thống dân tộc trong văn hóa được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định là gắn với tính lịch sử cụ thể. Đơn cử như với phẩm chất yêu nước, Người nghiên cứu và cho rằng nó đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có những biểu hiện đa dạng nhưng đó là tinh thần yêu nước chân chính, “khác hẳn với tinh thần “vị quốc” của bọn đế quốc phản động”(6). Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu các nhà văn hóa, nghệ thuật phải gìn giữ bản sắc, cốt cách dân tộc của văn hóa, song Người cũng chống lại mọi yếu tố lạc hậu trong văn hóa truyền thống với chủ trương: “Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ… Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Thí dụ: Đám cúng, cưới hỏi quá xa xỉ, ta phải giảm bớt đi. Cái gì cũ mà tốt, thì phải phát triển thêm. Thí dụ: Ta phải tương thân, tương ái, tận trung với nước, tận hiếu với dân hơn khi trước…”(7); “Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài”(8).
2. Văn hóa, nghệ thuật có tính đại chúng, gắn với thực tiễn đời sống và phục vụ quần chúng nhân dân
Nói chuyện tại hội nghị những người tích cực tham gia hoạt động văn hóa, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Quần chúng là những người sáng tạo, công nông là những người sáng tạo… Những sáng tác ấy là những hòn ngọc quý”(9). Người cũng chỉ rõ: “Văn hóa phải gắn liền với lao động sản xuất”(10), với lao động sáng tạo của công nông – lực lượng đông nhất trong xã hội.
Sớm nhận ra sức mạnh của quần chúng nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lấy nhân dân làm nền tảng của mọi thiết chế chính trị, quân sự, văn hóa, giáo dục của nước Việt Nam mới. Văn hóa thuộc về kiến trúc thượng tầng của đời sống xã hội, các nhà văn hóa, các văn nghệ sĩ phải “hiểu thấu, liên hệ và đi sâu vào đời sống của nhân dân. Như thế, mới bày tỏ được cái tinh thần anh dũng và kiên quyết của quân và dân ta, đồng thời để giúp phát triển và nâng cao tinh thần ấy”(11).
Như nhà thơ nổi tiếng của Haiti, Rơnêđơ Pêtrorơ trong bài Một anh hùng của một thời đại chúng ta đã viết: “Cuộc sống của dân tộc Việt Nam và cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã hòa lẫn với nhau thành một dòng sông bất khuất”(12), trong tư tưởng Hồ Chí Minh, tính nhân dân và tính dân tộc gắn bó mật thiết với các điều kiện lịch sử cụ thể và mang nội dung của giai cấp vô sản. Vì thế, văn hóa, nghệ thuật không chỉ để phục vụ lợi ích của đại bộ phận nhân dân lao động, mà còn là đối tượng sáng tạo được bắt nguồn từ trong nhân dân và trên hết là trong việc phát huy khả năng sáng tạo của nhân dân và thể hiện khát vọng của nhân dân. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc tới trong những lời nói, câu viết: các vua Hùng đã có công dựng nước; cha ông ta có một truyền thống yêu nước nồng nàn; các chiến công của Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… Người cũng thường nhắc đến tác phẩm của các nhân sĩ, nhà nho, nhà thơ của giai cấp phong kiến nhưng mang tính nhân dân sâu sắc. Người đánh giá rất cao các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Đình Chiểu… đã thể hiện được những khát vọng của nhân dân nên tác phẩm của các bậc tiền bối ấy “đã được truyền tụng trong dân gian và đã có tác dụng cổ động tinh thần cách mạng”(13).
Khi nói nhân dân là người sáng tạo ra những giá trị văn hóa cao quý, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đề cập đến nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật không chuyên mang tính nhân dân sâu sắc và nghệ thuật ít phản ánh hoặc chưa phản ánh đúng đời sống Nhân dân. Trong buổi nói chuyện về việc xuất bản sách người tốt, việc tốt tháng 6/1968, Người tâm sự: “Bác nghĩ rằng nghệ thuật phải gần với cuộc sống, người vẽ không thể tùy ý muốn tưởng tượng ra thế nào cũng được, rồi quần chúng phê bình lại bảo người ta dốt… Bác biết các chú văn hay, chữ tốt, nhưng dù sao, nhân dân trăm tai nghìn mắt vẫn có nhiều ý kiến thông minh có thể giúp cho các chú tiến bộ hơn”(14).
3. Văn hóa, nghệ thuật luôn có sự kết hợp, gắn bó, tác động qua lại giữa cộng đồng các dân tộc Việt Nam
Nền văn hóa của dân tộc Việt Nam là nền văn hóa chung của 54 dân tộc, trong đó mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng của mình. Trước Cách mạng Tháng Tám, văn hóa của các dân tộc thiểu số ít được coi trọng, đại đa số nhân dân các dân tộc thiểu số ở nước ta không biết đọc, biết viết. Với sự ra đời của nhà nước dân chủ nhân dân, “các dân tộc bình đẳng về mọi mặt”(15), Chủ tịch Hồ Chí Minh coi việc xác lập nền văn hóa có tính chất dân tộc là một nền văn hóa bình đẳng các giá trị và tính chất dân tộc của mỗi nền văn hóa đều có giá trị ngang nhau. Chủ trương đó của Người được thể hiện qua nhiều chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước, được đưa cả vào Hiến pháp. Nhiều giá trị văn hóa của các dân tộc thiểu số đã được khôi phục và phát triển, góp phần to lớn thúc đẩy sự phát triển chung của nền văn hóa Việt Nam. Nhiều con em người dân tộc thiểu số được đào tạo thành các nhà lãnh đạo văn hóa, văn nghệ và những nhà hoạt động xã hội tài năng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần cho rằng sự tiếp biến văn hóa không chỉ là sự giao lưu văn hóa và học tập giữa các dân tộc trên đất nước ta, mà còn là quy luật của mối quan hệ giữa các nền văn hóa đa tộc người trong một quốc gia đối với quốc tế. Người viết: “Cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người được thấy nhiều loại hoa đẹp”(16). Cũng trên cơ sở đó, nền văn hóa mới của dân tộc ta ngày càng xuất hiện nhiều nhà văn hóa xuất sắc của các dân tộc thiểu số, mang lại vẻ vang cho nền văn hóa chung của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, điển hình là các tên tuổi như Bàn Tài Đoàn, Hà Cắm Rì, Đàm Linh, Nông Quốc Chấn, Rơ Chăm Pheng, v.v..
4. Văn hóa, nghệ thuật cần có sự kết nối, tiếp biến giữa các giá trị của dân tộc và nhân loại
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, dân tộc là một bộ phận của quốc tế, văn hóa dân tộc nằm trong văn hóa của loài người, do đó mối quan hệ giữa dân tộc và quốc tế trong tư tưởng văn hóa, nghệ thuật Hồ Chí Minh được biểu hiện trên hai lĩnh vực: dân tộc và nhân loại nói chung; dân tộc và xã hội chủ nghĩa. Thấm nhuần nền văn hóa dân tộc, lại sớm tiếp thu nhiều nền văn hóa trên thế giới, nên trong tư tưởng Hồ Chí Minh luôn có sự kết hợp của yếu tố phương Đông và phương Tây, dân tộc và nhân loại. Trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, cùng với việc phát triển văn hóa dân tộc, văn hóa, nghệ thuật Việt Nam phải tiếp thu những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới “để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính dân tộc, khoa học và đại chúng”(17).
Trong các tác phẩm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều bài viết, nhiều nhận định về các nền văn hóa, nghệ thuật trong khu vực và thế giới. Người cũng có nhiều cuộc gặp gỡ với các nhà văn hóa của xã hội chủ nghĩa và tư bản chủ nghĩa như Êrenbua, Antôncônxki, Rút Bécsátxki (Nga), SáclôPhuốcnêô. Madelen Riphô (Pháp), Bơcsét (Úc), Dimitrova (Bungary), Quách Mạt Nhược (Trung Quốc)… và rất nhiều cá nhân, tập thể các đoàn văn học nghệ thuật của nhiều nước khác. Người khẳng định: “Văn hóa của các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ có trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình”(18). Đối với Người, giao tiếp văn hóa trên nền tảng giá trị là quyền tạo cơ hội lựa chọn: đó là quá trình tiếp thu, chọn lọc và từ chối. Khi tiếp biến các giá trị của các nền văn hóa, nghệ thuật của các dân tộc khác, thì văn hóa của các dân tộc này cũng không giảm giá trị, không áp đặt được giá trị của họ lên văn hóa của dân tộc ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện rõ quan điểm này khi trả lời nhà văn Nga Rút Bécsátxki: “Các bạn chớ hiểu là tôi cho rằng chúng tôi cần dứt bỏ văn hóa nào đó, dù là văn hóa Pháp đi nữa. Ngược lại, tôi muốn nói điều khác. Nói đến việc phải mở rộng kiến thức của mình về văn hóa thế giới, mà đặc biệt hiện nay là văn hóa Xôviết – chúng tôi còn thiếu – nhưng đồng thời phải tránh nguy cơ trở thành kẻ bắt chước”(19). Họa sĩ Erích Giôhanxơn (Thụy Điển) trên tạp chí Nghệ thuật tạo hình (Đức) tháng 12/1965, đã nhận xét về Nguyễn Ái Quốc rằng: Người thông thạo ngôn ngữ của những nước ở châu Âu, khi thảo luận, Người có cách nói rất sinh động. Người am hiểu những trào lưu nghệ thuật Tây Âu và hé lộ rằng ở Pari, Người cũng có vẽ chút ít. Người nói một cách tinh tế về những tác phẩm mà Người đã xem và trước hết là về những nghệ sĩ đã mạnh dạn phơi trần sự thật xã hội, kêu gọi đấu tranh. Người cho rằng, các giá trị nghệ thuật bất hủ đều được sản sinh ra từ cách cảm, cách nghĩ của mỗi dân tộc như: Đỗ Phủ, Tề Bạch Thạch (Trung Hoa), Tago (Ấn Độ), Tônxtôi (Nga), Xếchxpia (Anh), Picátxô (Tây Ban Nha)…, tóm lại, các danh nhân văn hóa lớn của thế giới, đều cảm nhận cuộc sống, đều sáng tạo nghệ thuật, đều được nuôi dưỡng toàn diện từ mạch nguồn của mỗi dân tộc. Trong thư gửi họa sĩ Picátxô tháng 8/1961, Người viết: “Đồng chí Picátxô thuộc vào những con người luôn luôn trẻ, bởi vì những người ấy sôi nổi trong tâm hồn một tình yêu say mê đối với cái Thiện, cái Mỹ, với Hoà bình và Nhân loại. Tình yêu ấy đã dẫn dắt Picátxô đến với chủ nghĩa cộng sản và vì thế họa sĩ mãi mãi giữ được tuổi xuân”(20). Năm 1987, Nghị quyết 24C/18.65 của UNESCO về kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh truyền thống hàng nghìn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau. Tư tưởng Hồ Chí Minh về mối quan hệ giữa văn hóa dân tộc và văn hóa nhân loại đã và đang định hướng cho chúng ta phát triển nội lực của mình, tiến lên sánh vai cùng bầu bạn quốc tế và soi đường cho nền văn hóa mới Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, khi cơ chế thị trường, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vừa là thời cơ, vừa là nguy cơ mới cho sự phát triển của nền văn hóa, nghệ thuật dân tộc. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đã xác định: xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Theo đó, giữ vững nền tảng tư tưởng Hồ Chí Minh dưới sự lãnh đạo của Đảng là những giải pháp cần thiết để nâng nền văn hóa Việt Nam lên tầm cao mới, góp phần thúc đẩy xây dựng xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai cùng các nước trên thế giới như mong muốn của Bác lúc sinh thời.
Chú thích:
1. Hồ Chí Minh: Toàn tập. Nxb. Chính trị quốc gia, H.2005. tập 6, tr.73.
2. Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận. Nxb. Văn học, H.1981, tr.359.
3. Hồ Chí Minh: Toàn tập, S.đ.d, tập 10, tr.160.
4. Hồ Chí Minh: Toàn tập, S.đ.d, tập 11, tr.224.
5. Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận. S.đ.d, tr.516.
6. Hồ Chí Minh: Toàn tập, S.đ.d, tập 6, tr.172.
7. Hồ Chí Minh: Toàn tập, S.đ.d, tập 5, tr.94-95.
8. Hồ Chí Minh: Toàn tập, S.đ.d, tập 9, tr.287.
9. Hồ Chí Minh: Toàn tập, S.đ.d, tập 9, tr.250.
10. Hồ Chí Minh: Toàn tập, S.đ.d, tập 10, tr.59.
11. Hồ Chí Minh: Toàn tập, S.đ.d, tập 6, tr.368.
13. Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận, S.đ.d, tr.505.
14. Hồ Chí Minh: Toàn tập, S.đ.d, tập 12, tr.553.
15. Hồ Chí Minh: Toàn tập, S.đ.d, tập 7, tr.543.
16. Hồ Chí Minh: Toàn tập, S.đ.d, tập 12, tr.551.
17. Hồ Chí Minh: Toàn tập, S.đ.d, tập 6, tr.173.
18. Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận, S.đ.d, tr.517.
19. Văn học nghệ thuật cũng là một mặt trận, S.đ.d, tr.517.
20. Hồ Chí Minh: Toàn tập, S.đ.d, tập 10, tr.338.