Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam

Tư tưởng về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam là một nội dung cơ bản, cốt lõi, thể hiện sự sáng tạo rất lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi vận dụng, quán triệt lý luận Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam. Bối cảnh trong nước và quốc tế hiện nay đặt ra yêu cầu cấp thiết phải không ngừng bổ sung, phát triển lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, trên cơ sở bảo đảm các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và phù hợp với đặc điểm của dân tộc, với xu thế của thời đại.

1. Để vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần nắm vững quan điểm lịch sử – cụ thể, tức là phải đặt tư tưởng của Người vào bối cảnh lúc bấy giờ. Đó là, miền Bắc nước ta bước vào xây dựng chủ nghĩa xã hội trong lúc phong trào xã hội chủ nghĩa trên thế giới đang ở thời kỳ cao trào. Các nước XHCN (tiêu biểu là Liên Xô, các nước XHCN ở Đông Âu và Trung Quốc…) đã đạt những thành tựu to lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và Liên Xô lúc bấy giờ đóng vai trò là thành trì của cách mạng thế giới.

Lúc này mô hình chủ nghĩa xã hội Xô viết chi phối rất mạnh các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa và những khuyết tật, sai lầm của mô hình này cũng chưa bộc lộ rõ. Trong khi đó, nước ta tiến lên chủ nghĩa xã hội từ một nước nông nghiệp lạc hậu là chưa có tiền lệ trong lịch sử. Vì vậy, những thành tựu cũng như hạn chế của chủ nghĩa xã hội hiện thực thế giới đã tác động mạnh đến thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta là một thực tế khách quan. Sau khi miền Bắc được giải phóng, cả nước phải tiến hành đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng. Công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc diễn ra trong hòa bình chỉ khoảng 10 năm (1955-1964), bởi từ năm 1965 trở đi cuộc chiến tranh do đế quốc Mỹ phát động đã lan rộng ra miền Bắc, lúc này miền Bắc trở thành hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn miền Nam; xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc với tinh thần “mỗi người làm việc bằng hai, vì đồng bào miền Nam ruột thịt”, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “xe chưa qua, nhà không tiếc” nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Do đó, không cho phép nhân dân ta tập trung toàn lực vào nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội; hơn nữa, mô hình chủ nghĩa xã hội theo kiểu quản lý tập trung, bao cấp ở miền Bắc lúc này về cơ bản đáp ứng yêu cầu thời chiến và những hạn chế, khiếm khuyết của mô hình này cũng chưa được bộc lộ rõ.

Sau Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cả nước bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội. Hoàn cảnh đất nước đã thay đổi từ chiến tranh sang hòa bình, nhưng chúng ta đã phạm sai lầm là kéo dài mô hình chủ nghĩa xã hội thời chiến sang thời bình và càng kéo dài thì những hạn chế, khuyết tật của mô hình càng bộc lộ gay gắt, gây ra khủng hoảng kinh tế – xã hội. Trong cuốn sách “Văn hóa và đổi mới”, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết: “Tôi muốn dừng lại đây để rút một bài học rất bổ ích về tính “lãng mạn cộng sản” (Lênin), lấy lòng mong muốn thay cho thực tế. Trong cách nghĩ và cách làm sai lầm này, điều nguy hiểm nhất là bất chấp quy luật của lịch sử, muốn đốt cháy giai đoạn, không tính đến điểm xuất phát về tình hình mọi mặt của nước ta lúc bấy giờ. Bản thân tôi, hồi tưởng lại tâm trí của mình, tôi vô cùng ngạc nhiên sao mà mình có thể quay lưng lại với biết bao sự thật hàng ngày diễn ra trước mắt mình để lao vào những sai lầm với những cái giá đắt phải trả. Rõ ràng đây là một sự thiếu sáng suốt trong nhận thức và hành động, trong lý luận và thực tiễn”(1).

Từ năm 1986, với đường lối đổi mới của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Đảng ta đã chuyển đổi mô hình chủ nghĩa xã hội kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp sang nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Đây cũng là quá trình Đảng ta không ngừng tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận; từng bước xây dựng, hoàn thiện mô hình chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam phù hợp với tình hình mới.

2. Chủ nghĩa xã hội là gì và xây dựng chủ nghĩa xã hội như thế nào là một câu hỏi lớn mà cho đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục phải nghiên cứu làm rõ. Công lao to lớn của C.Mác và Ph.Ăngghen là đã phát hiện ra xu hướng phát triển tất yếu của xã hội loài người và đi đến kết luận rằng chủ nghĩa tư bản tất yếu sẽ bị thay thế bằng chủ nghĩa cộng sản, mà giai đoạn đầu là chủ nghĩa xã hội. Các ông đã chỉ ra những phương hướng phát triển chủ yếu và những đặc trưng bản chất của chủ nghĩa xã hội, với tư cách là một chế độ xã hội. Đó là: xóa bỏ chế độ tư hữu tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất, thiết lập chế độ sở hữu công cộng để giải phóng cho sức sản xuất xã hội phát triển; có một nền đại công nghiệp cơ khí với trình độ khoa học và kỹ thuật hiện đại có khả năng cải tạo nông nghiệp, tạo ra năng suất lao động cao hơn chủ nghĩa tư bản; thực hiện sản xuất có kế hoạch; thực hiện nguyên tắc phân phối theo lao động; khắc phục dần sự khác biệt giữa các giai cấp, tiến tới một xã hội tương đối thuần nhất; giải phóng con người khỏi tình trạng bị bóc lột về kinh tế, áp bức về chính trị và nô dịch về tinh thần; tạo điều kiện cho con người có thể tận lực phát triển mọi khả năng sẵn có của mình. C.Mác và Ph.Ăngghen cho rằng: “Đối với chúng ta, chủ nghĩa cộng sản không phải là một trạng thái cần phải sáng tạo ra, không phải là một lý tưởng mà hiện thực cần phải khuôn theo. Chúng ta coi chủ nghĩa cộng sản là một phong trào hiện thực, nó xóa bỏ trạng thái hiện nay. Những điều kiện của phong trào ấy là kết quả của những tiền đề hiện đang tồn tại”(2).

V.I.Lênin là người đã bảo vệ, phát triển và hiện thực hóa chủ nghĩa xã hội khoa học ở nước Nga Xô viết sau cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi. Căn cứ vào thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô, V.I. Lênin đã điều chỉnh một số dự báo trước đây của C.Mác, Ph.Ăngghen và của chính mình về chủ nghĩa xã hội; ông đã bác bỏ ý kiến sai lầm của “những người cộng sản cánh tả”, đứng đầu là N.I.Bukharin về chủ nghĩa xã hội. Theo V.I. Lênin: “Chủ nghĩa xã hội đã chuyển từ lĩnh vực giáo điều – mà chỉ có những kẻ hoàn toàn không hiểu gì mới nói đến – từ lĩnh vực sách vở và cương lĩnh, sang lĩnh vực thực tiễn. Ngày nay, bằng chính bàn tay của mình, những người công nhân và nông dân đang làm nên chủ nghĩa xã hội”. Trong thời kỳ thực hiện Chính sách kinh tế mới (NEP), V.I.Lênin nhấn mạnh: chúng ta không thể không thừa nhận toàn bộ cách nhìn đối với chủ nghĩa xã hội của chúng ta đã hoàn toàn thay đổi. Chúng ta chỉ biết phương hướng của con đường đó. Còn cụ thể và trên thực tế con đường đó ra sao thì kinh nghiệm của hàng triệu con người sẽ chỉ rõ khi họ bắt tay vào hành động.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn trung thành với chủ nghĩa Mác – Lênin, nhưng với tinh thần độc lập, tự do vốn có của mình, Người đã tiếp thu bản chất, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội một cách sâu sắc và sáng tạo. Do đó, trong nhận thức, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội luôn thống nhất với những nguyên lý cơ bản của các nhà kinh điển Mác – Lênin, nhưng đã được cụ thể hóa và vận dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh không đưa ra định nghĩa về chủ nghĩa xã hội với những tiêu chí đầy đủ, toàn diện, hoàn chỉnh của một mô hình lý tưởng được xây dựng sẵn trong tư tưởng, nhận thức để từ đó bắt thực tiễn phải khuôn theo. Với Người, chủ nghĩa xã hội không chỉ là ước mơ, lý tưởng mà còn được thể hiện cụ thể từng bước trong hiện thực. Sáng tạo lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh là dựa trên những quan điểm cơ bản của Mác – Lênin về chủ nghĩa xã hội và xuất phát từ thực tiễn đất nước để nêu lên một hệ thống luận điểm về bản chất, mục tiêu và động lực của chủ nghĩa xã hội; về tính tất yếu khách quan của thời kỳ quá độ và các hình thức, biện pháp, bước đi trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Về bản chất, mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh có nhiều cách tiếp cận, định nghĩa khác nhau về chủ nghĩa xã hội, trong đó kiểu định nghĩa phổ biến mà Người hay dùng nhất là định nghĩa chủ nghĩa xã hội bằng cách xác định mục tiêu của chủ nghĩa xã hội, chỉ rõ phương hướng, phương tiện để đạt được mục tiêu đó. Theo Người: “Mục đích của chủ nghĩa xã hội là gì? Nói một cách giản đơn và dễ hiểu là: Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động”(3); “không ngừng nâng cao mức sống của nhân dân là mục đích của chủ nghĩa xã hội”; hoặc “Nói một cách tóm tắt, mộc mạc, chủ nghĩa xã hội trước hết nhằm làm cho nhân dân lao động thoát nạn bần cùng, làm cho mọi người có công ăn việc làm, được ấm no và sống một đời hạnh phúc”(4); “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho nhân dân đủ ăn, đủ mặc, ngày càng sung sướng, ai nấy được đi học, ốm đau có thuốc, già không lao động được thì nghỉ, những phong tục tập quán không tốt dần dần được xóa bỏ… Tóm lại, xã hội ngày càng tiến, vật chất ngày càng tăng, tinh thần ngày càng tốt, đó là chủ nghĩa xã hội”(5); “Chủ nghĩa xã hội là làm sao cho dân giàu nước mạnh”(6).

Khi trả lời các nhà báo nước ngoài năm 1946, Người nói: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”(7). Nhất quán điều đó, trong Di chúc, Người viết: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”(8). Không chỉ sáng tạo, độc đáo trong cách tiếp cận, quan niệm về chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh còn rất sáng tạo trong việc xác định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Người đặt vấn đề: “Chúng ta phải dùng những phương pháp gì, hình thức gì, đi theo tốc độ nào để tiến dần lên chủ nghĩa xã hội? Đó là những vấn đề đặt ra trước mắt Đảng ta hiện nay”(9).

Người yêu cầu Đảng ta phải nắm vững lập trường, quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lênin; đồng thời, phải nắm vững đặc thù của dân tộc, nêu cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo; phải học tập, tham khảo kinh nghiệm của các nước XHCN anh em, nhưng phải hết sức sáng tạo, tránh giáo điều, rập khuôn, bởi vì nước ta có những đặc điểm riêng. Trong bài nói tại Hội nghị Trung ương ngày 10/5/1950 để chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, khi đề cập đến phương châm của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ: “Lý luận Mác – Lênin thống nhất với thực tiễn cách mạng Việt Nam… Chủ nghĩa Mác – Lênin không phải ở đâu người ta cũng làm cộng sản, cũng làm Xô viết”(10).

Sau khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, trong cuộc họp Bộ Chính trị ngày 10/12/1954 để bàn về đề án khôi phục và phát triển kinh tế, Người nói: “… Nếu muốn công nghiệp hóa gấp thì là chủ quan. Cho nên trong kế hoạch phải tăng tiến nông nghiệp. Làm trái với Liên Xô, đó cũng là mác xít… Ta cho nông nghiệp là quan trọng và ưu tiên, rồi tiến đến thủ công nghiệp, sau mới đến công nghiệp nặng”(11). Tháng 7/1956, nói chuyện tại lớp hướng dẫn giáo viên cấp II, cấp III và Hội nghị sư phạm, Người cho rằng: “… Ta không thể giống Liên Xô, vì Liên Xô có phong tục tập quán khác, có lịch sử địa lý khác… ta có thể đi con đường khác để tiến lên chủ nghĩa xã hội”(12). Con đường khác mà Người đề cập chính là những biện pháp, hình thức, bước đi, cách làm trong xây dựng chủ nghĩa xã hội thích hợp với hoàn cảnh đặc thù của Việt Nam.

Về nhịp độ, bước đi của chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần căn dặn: phải tiến dần dần, từng bước vững chắc, chớ ham làm mau, ham rầm rộ, “tiến lên chủ nghĩa xã hội, không thể một sớm một chiều”(13). Tháng 3/1961, phát biểu tại Hội nghị bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo các cấp toàn miền Bắc, Người lưu ý: “Tiến nhanh, tiến mạnh không phải là phiêu lưu, làm ẩu. Phải thiết thực đi từng bước, phải tiến vững chắc. Phải nắm vững quy luật phát triển của cách mạng, phải tính toán cẩn thận những điều kiện cụ thể, những biện pháp cụ thể. Kế hoạch phải chắc chắn, cân đối. Chớ đem chủ quan của mình thay cho điều kiện thực tế. Phải chống bệnh chủ quan, tác phong quan liêu, đại khái. Phải xây dựng tác phong điều tra, nghiên cứu trong mọi công tác cũng như trong khi định ra mọi chính sách của Đảng và của Nhà nước”(14).

Trong chỉ đạo xây dựng nền kinh tế ở miền Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh hết sức lưu ý sự phát triển cân đối giữa hai ngành công nghiệp và nông nghiệp. Ngày 21/3/1962, khi chủ trì họp Bộ Chính trị để bàn về kế hoạch phát triển công nghiệp, Người nói: … Mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội là nâng cao đời sống nhân dân. Lực lượng chính để xây dựng chủ nghĩa xã hội là nhân dân(15). Tháng 7/1962, tại cuộc họp Bộ Chính trị bàn về công tác kiểm tra kế hoạch nhà nước, Người nhấn mạnh: “… Ta phải tìm cách nào, nếu cần có thể giảm bớt một phần xây dựng để giải quyết vấn đề ăn và mặc cho nhân dân được tốt hơn nữa, đừng để cho tình hình đời sống căng thẳng quá. Vấn đề con người là hết sức quan trọng. Nhà máy cũng rất cần có thêm, có sớm, nhưng cần hơn là con người… Phải làm cho quần chúng hiểu chủ nghĩa xã hội đúng hơn. Phải quan tâm đến đời sống quần chúng và giáo dục quần chúng”(16).

Qua nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, có thể thấy rõ: về hình thức cách nói, cách viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh là rất ngắn gọn, nôm na, mộc mạc. Người đã rất tài tình khi diễn đạt lý luận chủ nghĩa xã hội bằng ngôn ngữ của dân tộc mình, mục đích nói và viết của mình là cho đồng bào Việt Nam, để cho mọi tầng lớp nhân dân đều có thể hiểu được, nhớ được và làm được, “nói thế nào mà đồng bào hiểu được, làm được là nói chủ nghĩa Mác – Lênin”.

Về nội dung, chủ nghĩa xã hội trong quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh không phải là cái gì cao siêu, trừu tượng mà hết sức cụ thể, thiết thực, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Vì vậy, dễ đi vào lòng người, được mọi người dân Việt Nam chấp nhận và tự nguyện phấn đấu cho thắng lợi của chủ nghĩa xã hội. Điểm cốt lõi của chủ nghĩa xã hội theo Chủ tịch Hồ Chí Minh là giải phóng và phát triển con người, đạt đến trình độ đạo đức nhân văn cao cả nhất mà nhân loại hằng mơ ước. Mục tiêu cao nhất của chủ nghĩa xã hội là vì con người, không ngừng cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động; mọi biểu hiện của các chế độ xã hội thống trị con người, xúc phạm các giá trị làm người đều xa lạ với bản chất đích thực của chủ nghĩa xã hội “Mục đích nâng cao đời sống toàn dân đó là tiêu chí tổng quát để khẳng định và kiểm nghiệm tính chất XHCN của các lý luận chủ nghĩa xã hội và chính sách thực tiễn. Trượt ra khỏi quỹ đạo đó thì hoặc là chủ nghĩa xã hội giả hiệu hoặc không có gì tương thích với chủ nghĩa xã hội”(17).

Khi nói về công cuộc hợp tác hóa, Người cho rằng: “Trước hết ta cần nhận rõ mục đích của việc tổ chức hợp tác xã là gì? Là để cải thiện đời sống nông dân, làm cho nông dân được no ấm, mạnh khỏe, được học tập, làm cho dân giàu nước mạnh. Dân có giàu thì nước mới mạnh. Đó là mục đích riêng và mục đích chung của việc xây dựng hợp tác xã”(18). Như vậy, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, việc xây dựng hợp tác xã không phải là mục đích, mà chỉ là cách tổ chức sản xuất hiệu quả, làm cho đời sống của người nông dân không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Trong quá trình đổi mới, trên cơ sở chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đã có những bước tiến mạnh mẽ trong nhận thức tư duy lý luận và chỉ đạo thực tiễn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Điều đó được thể hiện rõ trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội đã nêu rõ quan niệm của Đảng về xã hội XHCN mà nhân dân ta xây dựng với 8 đặc trưng, trong đó mục tiêu bao trùm (đặc trưng tổng quát), thể hiện bản chất của chế độ là: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh(19). Thực tế công cuộc đổi mới ở Việt Nam đã chứng minh rằng, chính nhờ đứng vững trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, với sự lãnh đạo đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta mà trước tình hình các nước XHCN Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, Việt Nam vẫn kiên định và vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trong bài viết “Hồi ức về Hồ Chí Minh” của đồng chí W.E. Gollan, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Australia đã khẳng định: “Hồ Chí Minh là một nhà tư tưởng XHCN sáng tạo vĩ đại và một người hành động. Chủ nghĩa xã hội của Người không bè phái cũng không giáo điều, mà là nhân đạo và nhân loại… Tư tưởng chính trị của Người chịu ảnh hưởng của những nhà tư tưởng dân chủ và XHCN lớn ở châu Âu được áp dụng vào một hoàn cảnh châu Á và điều đó đã đem lại cho nó một ý nghĩa thế giới”(20). Viện sĩ Thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô, V.M.Solnsev có nhận định: “Trong thế giới đầy năng động của chúng ta ngày nay đang diễn ra những biến đổi lớn lao… Khái niệm của chúng ta về chủ nghĩa xã hội, về con đường và các phương pháp xây dựng chủ nghĩa xã hội cũng thay đổi. Nhưng trong mọi biến đổi cũng có một số điều quan trọng không hề thay đổi. Đó là lý tưởng XHCN, các tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa, tự do, dân chủ và công bằng xã hội, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà yêu nước vĩ đại, người theo chủ nghĩa quốc tế đã cống hiến trọn đời cho những lý tưởng đó. Năm tháng sẽ qua đi nhưng nhân loại tiến bộ sẽ nhớ mãi tên tuổi và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh”(21).

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phác thảo ra những đường hướng lớn về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, đưa dân tộc ta vượt qua những khó khăn ban đầu với những sai lầm ít cực đoan nhất, tránh được cho dân tộc những đổ vỡ, mất mát không cần thiết; nhờ đó, chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam đã vượt qua được cơn bão táp của thế kỷ XX, đứng vững và phát triển. Thực tiễn phát triển của đất nước trong giai đoạn hiện nay đang đặt ra nhiều vấn đề mới vô cùng phức tạp mà Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời chưa có điều kiện đề cập đến, nhưng Người đã để lại cho chúng ta những nguyên lý, nguyên tắc, phương pháp luận để suy nghĩ, tìm tòi lời giải đáp cho những vấn đề thực tế của đất nước. Trong cuộc hành trình đi lên của dân tộc, “phương hướng và mục tiêu sẽ không thay đổi. Nhưng con đường thì lại phải vừa đi vừa khám phá. Không phải cứ nhắm mắt mà đi, mà phải tỉnh táo và rất thông minh để trong mỗi bước đi tránh được mọi khó khăn, vượt qua được mọi chướng ngại… Con đường ấy không chỉ đòi hỏi sự dũng cảm mà còn đòi hỏi một sự nhạy bén và vô cùng sáng tạo ở mỗi bước đi. Thiếu sự nhạy bén và sáng tạo ấy thì chỉ có thất bại mà không có thành công”(22).

Công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng XHCN đã tạo điều kiện và đặt ra yêu cầu mới cần phải nhận thức đúng đắn, vận dụng sáng tạo, bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội, nhằm tiếp tục tổng kết thực tiễn, phát triển lý luận của Đảng. Thực chất của công cuộc đổi mới là “chống lại những cái gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”, là tìm tòi phương thức (con đường) xây dựng chủ nghĩa xã hội phù hợp với Việt Nam hiện nay “Tình hình mới đã đặt ra những nhiệm vụ mới, phương châm mới, sách lược mới… Trước tình hình mới hiện nay, ta không thể giữ cương lĩnh cũ”(23).

Trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi phải nắm vững mục tiêu, bản chất của chủ nghĩa xã hội; nắm vững tinh thần và phương pháp “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của Chủ tịch Hồ Chí Minh để tìm tòi, phát hiện ra những quy luật phát triển của cách mạng Việt Nam, sáng tạo ra những nội dung mới, cách làm mới phù hợp với điều kiện của đất nước và xu thế của thời đại; biến mục tiêu, lý tưởng của Người từng bước trở thành hiện thực trên đất nước ta./.

———————————————-

Ghi chú:

(1) Phạm Văn Đồng, Văn hóa và đổi mới, Nxb CTQG, H.1994, tr.35-36.

(2)  C.Mác và  Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQG, H.1995, tr.51.

(17) Mạch Quang Thắng (chủ biên), Vận dụng và phát triển sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nxb Lao động, H.2010, tr.146, tr.147.

(3),(5),(14) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 13, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.30, tr.438, tr.71.

(4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.415.

(6), (12), (13) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.390, tr.391, tr.392.

(7) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.627.

(8) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 15, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.624.

(9) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.92.

(10) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.368-369.

(11) Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, tập 5, Nxb CTQG, H.1995, tr.572-573.

(15), (16), (23) Hồ Chí Minh, Biên niên tiểu sử, tập 8, Nxb CTQG, H.1995, tr.211, tr.550-551.

(18) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb CTQG- ST, H.2011, tr.316.

(19) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.70.

(20), (21) Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh (trích tham luận của đại biểu quốc tế), Nxb Khoa học Xã hội, H.1990. tr.157, tr.86.

(22) Vũ Khiêu, Hồ Chí Minh ngôi sao sáng mãi trên bầu trời Việt Nam, Nxb CTQG-ST, H.2012, tr.45-46.

TS Nguyễn Mậu Linh – Học viện Chính trị khu vực III, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Leave Comments

0394.411.939
0394411939