Xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam góp phần bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa

Nghị quyết số 33-NQ/TW, ngày 09/6/2023, Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ chín về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đề ra mục tiêu: “Văn hoá thực sự trở thành nền tảng vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc”.

Giá trị văn hoá cao đẹp nhất của dân tộc Việt Nam được đúc kết lại trong hệ giá trị quốc gia đó chính là tinh thần yêu nước, trong suốt chiều dài lịch sử truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, Nhân dân Việt Nam luôn nhận thức rõ được tầm quan trọng của văn hoá, phát huy giá trị văn hoá tốt đẹp và đã luôn thành công.

Đường lối của Đảng ta trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên, năm 1930, đã đề cập đến vấn đề là phải phát triển văn hoá của dân tộc. Năm 1943, khi nước nhà còn chưa giành độc lập, Đảng ta đã đề ra “Đề cương văn hoá Việt Nam” với chủ trương phát triển văn hoá theo ba hướng: Dân tộc – Khoa học – Đại chúng, Đảng ta đã tập hợp đội ngũ trí thức, văn nghệ sỹ, Nhân dân phát huy vai trò của văn hoá, thống nhất về nhận thức, tư tưởng và tổ chức, khơi dậy khát vọng của dân tộc trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, chuẩn bị tinh thần và lực lượng bảo đảm cho cuộc cách mạng thành công vào Tháng Tám năm 1945. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp với khẩu hiệu “Văn hoá hoá kháng chiến, kháng chiến hoá văn hoá”, văn hoá Việt Nam đã thực sự trở thành động lực tinh thần để huy động tất cả mọi nguồn lực cho cuộc kháng chiến và cuộc kháng chiến đó đã đi đến thắng lợi bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, năm 1954. Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, năm 1960, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, Đảng ta đã nhấn mạnh đến công tác phát triển nền văn hoá, văn nghệ, nâng cao tính tư tưởng, tính chiến đấu, tính quần chúng của công tác văn hoá, văn nghệ; đồng thời quan tâm đến xây dựng các hoạt động và các thiết chế văn hoá ở cơ sở, huy động được lực lượng đông đảo những người làm công tác văn hoá trong toàn dân tham gia vào cuộc kháng chiến, kết quả Nhân dân ta đã giành được đại thắng vào mùa Xuân năm 1975. Giai đoạn 1975-1985 – Thống nhất đất nước, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, giữ vững và phát huy giá trị văn hoá truyền thống yêu nước, đồng bào cả nước đã đồng cam, cộng khổ, tuyệt đối tin tưởng vào Đảng và đã vượt qua được những thử thách rất cam go do khủng hoảng kinh tế – xã hội và tình hình chính trị phức tạp lúc đó gây ra.

Từ khi thực hiện đường lối đổi mới đến nay, Đảng ta luôn đánh giá cao nền văn hoá văn nghệ trong công cuộc bảo vệ Tổ quốc; tại Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) về chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới đã xác định một trong các giải pháp quan trọng đó chính là: Xây dựng, phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động thông tin, tuyên truyền.

Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8, các cấp, các ngành và toàn hệ thống chính trị ngày càng nhận thức đúng đắn và hành động tích cực, có hiệu quả hơn đối với vấn đề phát triển văn hoá. Tư duy lý luận về văn hoá đã có bước phát triển; chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hoá từng bước được nâng cao; việc xây dựng môi trường văn hoá đã được chú trọng; nhiều giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của dân tộc và của từng vùng, miền được kế thừa, nhiều di sản văn hoá được bảo tồn, phát huy.

Các giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp làm nên bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam như tinh thần yêu nước, yêu quê hương, bất khuất, tự tôn dân tộc, tinh thần bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc được phát huy và vận dụng sáng tạo trong công cuộc đổi mới đất nước. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” với 5 nội dung chủ yếu và 7 phong trào cụ thể đã từng ngày thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, làm cho các giá trị văn hoá bản sắc riêng của dân tộc Việt Nam là lòng yêu nước càng thêm sâu sắc.

Ở Tuyên Quang, với các di tích lịch sử gắn với cách mạng kháng chiến đã và đang được bảo tồn, phát huy, góp phần giáo dục cho thế hệ trẻ về truyền thống đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Công tác chỉ đạo của cấp uỷ tỉnh đã rất kịp thời thông qua việc ban hành Đề án số 06-ĐA/TU ngày 31/5/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về đổi mới, nâng cao chất lượng tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2022-2025; công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng đã được triển khai tích cực thông qua tuyên truyền những sự kiện, ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh, giới thiệu những nhân vật lịch sử và địa danh lịch sử; giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống xung kích cách mạng, truyền thống đoàn kết, tinh thần tương thân, tương ái; truyền thống hiếu học… gắn với các nội dung công tác chính trị, tư tưởng trong sinh hoạt chi bộ, sinh hoạt chuyên đề. Các hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên, Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ được quan tâm đổi mới về hình thức, phương pháp, cách thức tuyên truyền, cụ thể: Tổ chức các hoạt động về nguồn tại các khu, điểm di tích trên địa bàn tỉnh, tổ chức các phong trào thi đua, đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong đảng viên và Nhân dân. Từ tháng 6/2022 đến tháng 10/2023 đã có 1.204.504 lượt khách, trong đó có 30.479 lượt học sinh, sinh viên đến tham quan, tổ chức các hoạt động kết nạp Đảng, Đoàn, Hội, Đội tại các khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình và bảo tàng tỉnh và các điểm di tích trên địa bàn tỉnh.

Khơi dậy tinh thần yêu nước, phát huy ý chí tự lực, tự cường, truyền thống lịch sử, văn hoá tốt đẹp sẽ tạo thành sức mạnh của con người Việt Nam; đặc biệt trong giai đoạn hiện nay, trước tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiệm vụ bảo vệ độc lập, chủ quyền còn gặp nhiều thách thức, chúng ta phải tăng cường việc xây dựng và phát triển văn hoá để góp phần bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Leave Comments

0394.411.939
0394411939